Xuất khẩu vào ASEAN: Thuận theo nhu cầu từng thị trường
Vượt qua rào cản, thách thức, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của từng nước sở tại, đồng thời nắm bắt chính xác nhu cầu tiêu dùng - là những phương thức tiếp cận hiệu quả cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi muốn thâm nhập thị trường ASEAN trong năm 2019.
Nắm bắt chính xác nhu cầu thị trường
Nhiều năm đồng hành cùng các DN đưa hàng Việt thâm nhập vào thị trường ASEAN, ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho hay: Campuchia, Lào, Myanmar là 3 thị trường Việt Nam đang xuất siêu. Nghiên cứu thị trường của ITPC tại Campuchia, Lào cho thấy, hai nước này có nhu cầu rất lớn đối với các mặt hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, điện tử, cơ khí, còn Myanmar rất cần nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến, nông sản, hàng tiêu dùng...
Với thị trường Indonesia và Malaysia, mặc dù Việt Nam nhập siêu song các DN vẫn có thể chú ý để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng chế biến, chế tạo, nông- thủy sản, xi măng, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, máy phát điện, thiết bị cơ khí... sang các nước này.
Hay với thị trường Thái Lan, dù có tương đồng về các mặt hàng thực phẩm, dệt may, bánh kẹo, nhựa… nhưng người tiêu dùng Thái Lan lại rất chuộng các mặt hàng tươi sống. DN Việt có thể tiếp cận nếu đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo các cam kết quốc tế. Còn tại Philippines, ngoài nhu cầu sử dụng gạo tương đối lớn thì clanke và xi măng, sắt, thép là các mặt hàng mà quốc gia này có nhu cầu cao.
Không thể lơ là hoạt động xúc tiến
Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - lưu ý, dù ASEAN đã trở thành một thị trường chung, nhưng mỗi nước trong khối vẫn có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thị hiếu tiêu dùng. Vì vậy, DN không nên lơ là việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình khảo sát thị trường mà DN muốn XK hàng hóa vào. DN cũng phải xây dựng mối quan hệ tốt với DN nước sở tại, tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người và tập quán kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), để tận dụng tối đa các cơ hội XK hàng hóa sang ASEAN, DN cần nắm bắt những ưu đãi của các FTA về thuế, tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược thâm nhập vào thị trường thông qua hệ thống thương vụ ở các nước, đưa hàng XK qua kênh gián tiếp thông qua các nhà phân phối đa quốc gia đã có mặt ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, đã có không ít DN Việt thành công trong việc tiếp cận thị trường ASEAN nhờ xây dựng được mối quan hệ với DN nước sở tại hoặc cộng đồng người Việt tại các quốc gia trong khối. Trong đó, Gỗ An Cường là ví dụ điển hình với việc thâm nhập thị trường, gia tăng kim ngạch XK thông qua hệ thống đại lý ngay tại bản địa; đặc biệt DN này còn chấp nhận chi hoa hồng bán hàng cho đại lý khoảng 5%. Theo ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường - đây là cách làm hiệu quả, tiết kiệm nhất thay vì phải thuê nhân sự kinh doanh, mở văn phòng... với chi phí tốn kém hơn nhiều lần.
Thống kê của Ban Thư ký ASEAN cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam vào thị trường ASEAN đến nay đạt khoảng 22 tỷ USD/ năm, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch XK hằng năm của cả nước, nhưng xếp cuối bảng tổng sắp giá trị XK tới các đối tác thương mại ở các FTA mà Việt Nam là thành viên.