Xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2018
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 4/2018 đạt 18.367 triệu USD, cao hơn 167 triệu USD so với số ước tính, trong đó giày dép cao hơn 158 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 150 triệu USD; sắt thép cao hơn 105 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 61 triệu USD; thủy sản cao hơn 34 triệu USD; rau quả cao hơn 30 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng cao hơn 27 triệu USD; xăng dầu, hóa chất cùng cao hơn 22 triệu USD; gạo cao hơn 17 triệu USD; hạt điều và sản phẩm từ chất dẻo cùng cao hơn 15 triệu USD; hàng dệt may thấp hơn 84 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 517 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5/2018 ước tính đạt 19,20 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,63 tỷ USD, tăng 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,57 tỷ USD, tăng 5,8%. Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng Năm có kim ngạch tăng cao: Dầu thô tăng 110,9%; cao su tăng 41,6%; gạo tăng 26,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 11,6%; giày dép tăng 11,2%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm tăng 7,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 4,5%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 31,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 19,9%; hàng dệt may tăng 12,1%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,43 tỷ USD, tăng 17,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,66 tỷ USD, tăng 15%, chiếm tới 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017).
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,2%; hàng dệt may đạt 10,7 tỷ USD, tăng 13,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 6,4 tỷ USD, tăng 29,7%; giày dép đạt 6,1 tỷ USD, tăng 7,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 17,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 10%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá: Thủy sản đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,1%; rau quả đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,6%; gạo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 51,1% (lượng tăng 20,4%); hạt điều đạt 1,4 tỷ USD, tăng 25,3% (lượng tăng 21,4%).
Một số mặt hàng nông sản tuy có lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước do giá xuất khẩu bình quân giảm: Cà phê đạt 1,6 tỷ USD, giảm 12% (lượng tăng 1,8%); cao su đạt 630 triệu USD, giảm 10,8% (lượng tăng 19,6%); hạt tiêu đạt 379 triệu USD, giảm 37,1% (lượng tăng 6,2%).
Riêng dầu thô tính chung 5 tháng giảm về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá xuất khẩu bình quân tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2017: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 919 triệu USD, giảm 20,4% (lượng giảm 40,1%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giày dép tăng 15,8%; hàng dệt may tăng 12%; điện thoại và linh kiện tăng 8,5%.
Tiếp đến là EU đạt 16,9 tỷ USD, tăng 13,6%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 36%; điện thoại và linh kiện tăng 16,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 16,3%.
Trung Quốc đạt 13,8 tỷ USD, tăng 30,8%, trong đó điện thoại và linh kiện gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 31%; rau quả tăng 16,5%. Thị trường ASEAN đạt 9,8 tỷ USD, tăng 14,1%, trong đó gạo gấp 3,4 lần; sắt thép tăng 52,9%; điện thoại và linh kiện tăng 6,1%.
Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 11,3%, trong đó hàng dệt may tăng 21%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 5,7%. Hàn Quốc đạt 7,2 tỷ USD, tăng 31%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 57%; điện thoại và linh kiện tăng 31,6%; hàng dệt may tăng 26,9%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 4/2018 đạt 17.204 triệu USD, thấp hơn 296 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện thấp hơn 139 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng thấp hơn 148 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 275 triệu USD; vải cao hơn 99 triệu USD; sắt thép cao hơn 35 triệu USD; lúa mỳ cao hơn 33 triệu USD; phân bón cao hơn 28 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Năm ước tính đạt 19,70 tỷ USD, tăng 14,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,30 tỷ USD, tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,40 tỷ USD, tăng 16,2%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Xăng dầu tăng 26,9%; xe máy và linh kiện, phụ tùng tăng 24,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 22,4%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 20,7%; sản phẩm hóa chất tăng 19,2%; thủy sản tăng 18,8%; sắt thép tăng 18,4%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng Năm tăng 6,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 11,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,8%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu tăng 49,4%; sắt thép tăng 31,2%; vải tăng 13,9%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 89,70 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,82 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 52,88 tỷ USD, tăng 6,7%.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,1 tỷ USD, tăng 14,1%; điện thoại và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, tăng 1,3%; vải đạt 5,1 tỷ USD, tăng 13%; sắt thép đạt 4 tỷ USD, tăng 1,1%; xăng dầu đạt 3,6 tỷ USD, tăng 35,3%; chất dẻo đạt 3,4 tỷ USD, tăng 14,1%; kim loại thường đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,3 tỷ USD, tăng 3,7%; hóa chất đạt 2 tỷ USD, tăng 22,9%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 5 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 24,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 17,6%; vải tăng 15,3%.
Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 18,7 tỷ USD, tăng 1,1%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,4%; điện thoại và linh kiện giảm 6,5%.
ASEAN đạt 12,5 tỷ USD, tăng 11,1%, trong đó xăng dầu tăng 24,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 21,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,2%. Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 11,2%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 3,5%.
EU đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,3%, trong đó chất dẻo nguyên liệu tăng 29,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 8,6%. Hoa Kỳ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10,7%, trong đó thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 56%; đậu tương tăng 13,7%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Tư xuất siêu 1,16 tỷ USD. Tháng Năm ước tính nhập siêu 500 triệu USD (sau 4 tháng liên tiếp xuất siêu kể từ đầu năm), chủ yếu do Samsung đã tập trung xuất khẩu các sản phẩm Galaxy S9, S9+ trong tháng Ba làm cho kim ngạch xuất khẩu điện thoại bắt đầu có xu hướng giảm từ tháng Tư.
Tính chung 5 tháng đầu năm xuất siêu 3,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,39 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,78 tỷ USD.