Xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2014
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 6/2014 đạt 12,4 tỷ USD, tăng 278 triệu USD so với số ước tính, trong đó hàng dệt may tăng 141 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 87 triệu USD; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 77 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 120 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 tăng 7,7% với một số mặt hàng đạt kim ngạch tăng cao: Giày dép tăng 19,4%; hàng dệt may tăng 17,4%; hóa chất tăng 55,8%. Tính chung 7 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 12,2% và chiếm 33,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 55,8 tỷ USD, tăng 15%.
Trong 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đạt mức tăng cao: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,2 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt, may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 19,4%; giày dép đạt 5,8 tỷ USD, tăng 21,8%; thủy sản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 25,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 4,1 tỷ USD, tăng 22,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 14,9%; cà phê đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9%; hạt tiêu đạt 888 triệu USD, tăng 46,1%. Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản và nguyên, nhiên, vật liệu giảm cả lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước: Gạo đạt 3,9 triệu tấn, tương đương 1,7 tỷ USD, giảm 8% về lượng và giảm 4,7% về kim ngạch; sắn và các sản phẩm của sắn đạt 2 triệu tấn, tương đương 650 triệu USD, giảm 5,9% và giảm 6,7%; cao su đạt 454 nghìn tấn, tương đương 832 triệu USD, giảm 9,5% và giảm 32%; than đá đạt 4,9 triệu tấn, tương đương 371 triệu USD, giảm 37,6% và giảm 33,9%; xăng dầu đạt 671 nghìn tấn, tương đương 636 triệu USD, giảm 15,7% và giảm 13,6%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, tính đến hết tháng 7/2014, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 15,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2013; tiếp đến là EU với 15,5 tỷ USD, tăng 13,4%; ASEAN đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%; Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD, tăng 16,9%; Nhật Bản đạt 8,5 tỷ USD, tăng 13,2%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD, tăng 1,9%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 6/2014 đạt 12,4 tỷ USD, cao hơn 130 triệu USD so với số ước tính, trong đó xăng dầu tăng 196 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 100 triệu USD; sắt, thép tăng 69 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 66 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 53 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 ước tính đạt 12,7 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng: Sắt thép tăng 50,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 12,8%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 6,6%; chất dẻo tăng 8,2%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,8%, khu vực kinh tế trong nước tăng 21,8%. Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 36,2 tỷ USD, tăng 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 46 tỷ USD, tăng 10,3%.
Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng năm nay tăng có sự đóng góp của một số mặt hàng nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,6 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2013; vải đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,7%; chất dẻo đạt 3,6 tỷ USD, tăng 12,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 27,1%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2 tỷ USD, tăng 11,9%; kim loại thường khác đạt 1,9 tỷ USD, tăng 17,6%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 77,9%; bông đạt 919 triệu USD, tăng 36,3%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu 7 tháng giảm so với cùng kỳ năm 2013: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,6 tỷ USD, giảm 3,1%; sắt thép đạt 3,9 tỷ USD, giảm 1,2%; phân bón đạt 675 triệu USD, giảm 31,3%; cao su đạt 360 triệu USD, giảm 10,2%; xe máy và linh kiện, phụ tùng đạt 217 triệu USD, giảm 22,7%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 7 tháng năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 23,4 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2013, nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 14,8 tỷ USD, tăng 14,4%; thị trường ASEAN đạt 13,4 tỷ USD, tăng 8,4%; Hàn Quốc đạt 12,3 tỷ USD, tăng 6,3%; Nhật Bản đạt 6,9 tỷ USD, tăng 5,6%; EU đạt 5 tỷ USD, giảm 8,5%; Hoa Kỳ đạt 3,7 tỷ USD, tăng 20,3%.
Nhập siêu tháng 7 ước tính 250 triệu USD. Xuất siêu 7 tháng là 1,26 tỷ USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,78 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,52 tỷ USD.