Xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2015

Theo gso.gov.vn

Xuất khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng Tám đạt 14,5 tỷ USD thấp hơn 19 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Chín ước tính đạt 14,2 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 0,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,1 tỷ USD, giảm 2,4%.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tháng Chín giảm so với tháng trước: Hàng rau quả giảm 24,2%; than đá giảm 22,8%; sắt thép giảm 15,8%; xăng dầu giảm 14%; giày dép giảm 13,5%; hàng dệt may giảm 4%. So với cùng kỳ năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2015 tăng 12,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 2,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,7%.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đạt 125,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng 12,6% của 9 tháng năm 2014. Trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng, khu vực kinh tế trong nước ước tính đạt 35,5 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch và giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,2 tỷ USD, chiếm 70,6% và tăng 15,8%. Nếu trừ dầu thô thì khu vực này đạt 82,1 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và tăng 21,1%.

Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 34,3%; hàng dệt may đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 11,4 tỷ USD, tăng 52,8%; giày dép đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18,4%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 5,8 tỷ USD, tăng 9,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 9,1%; túi xách, va li, mũ, ô dù đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,6%; hạt điều đạt 1,8 tỷ USD, tăng 20,6%.

Một số mặt hàng giảm cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu: Than đá giảm 77% về lượng và giảm 67,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; cà phê giảm 30,5% và giảm 31,6%; gạo giảm 8,7% và giảm 14,3%; sắt thép giảm 7,3% và giảm 15,6%; chè giảm 7,2% và 6,5%. Riêng xuất khẩu dầu thô tuy tăng 4,7% về lượng nhưng lại giảm tới 47% kim ngạch (tương đương 2,7 tỷ USD).

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng khoáng sản và công nghiệp chế tạo ước tính đạt 55,4 tỷ USD, chiếm 45,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2014 chiếm 42,1%) và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỷ trọng 19,2% (cùng kỳ là 15,7%), tăng mạnh tới 34,3%; điện tử, máy tính chiếm 9,5% (cùng kỳ 2014 là 6,8%), tăng 52,8%.

Như vậy, mức tăng của các mặt hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 28,7% kim ngạch xuất khẩu) đã góp phần chủ yếu tạo ra tăng trưởng của nhóm hàng này. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 47,8 tỷ USD, chiếm 39,6% (cùng kỳ năm 2014 chiếm 40,4%) và tăng 7,3%. Đáng chú ý là xuất khẩu của 02 nhóm hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm, trong đó nhóm hàng nông, lâm sản đạt 12,8 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2014 chiếm 12,3%), giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước (cà phê và gạo giảm nhiều cả về lượng và giá trị); hàng thủy sản đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 3,9% (cùng kỳ năm trước chiếm 5,2%) và giảm 17%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 24,9 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng cao: Hàng dệt may tăng 12,9%; giày dép tăng 27,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 109,6%. Tiếp đến là EU với 22,8 tỷ USD, tăng 12,4%, trong đó mặt hàng điện thoại các loại tăng 20,1%; giày dép tăng 14,2%; máy tính và linh kiện tăng 53%. ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, giảm 1,7%, trong đó mặt hàng điện thoại giảm 3%; dầu thô giảm 12,1%, sắt thép giảm 11,7%. Thị trường Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 12,5%, trong đó mặt hàng máy tính và linh kiện tăng 31,3%; xơ sợi dệt tăng 17%; sắn và các sản phẩm của sắn tăng 35,8%; gạo tăng 9%. Nhật Bản đạt 10,5 tỷ USD, giảm 4,9%, trong đó phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 6,9%; thủy sản giảm 11,4%. Hàn Quốc ước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 20,5%, trong đó mặt hàng điện thoại tăng 244,5%; máy vi tính tăng 91,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,2%.

Xuất khẩu 9 tháng năm 2015 tiếp tục thể hiện sự phụ thuộc ngày càng lớn vào hoạt động gia công, lắp ráp. Nếu không tính 5 nhóm hàng chủ yếu (hàng dệt may, da giày, túi xách, balo, điện tử, điện thoại và linh kiện) thì xuất khẩu 9 tháng năm nay giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng Tám đạt 14,1 tỷ USD, thấp hơn 466 triệu USD so với số ước tính, trong đó máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác thấp hơn 336 triệu USD; vải thấp hơn 125 triệu USD; xăng dầu thấp hơn 103 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Chín ước tính đạt 14,3 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,9 tỷ USD, giảm 0,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,4 tỷ USD, tăng 2,6%. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng của một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng so với tháng trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10,9%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 6,2%; sản phẩm chất dẻo tăng 4,6%; vải tăng 3,2%; bông tăng 11,8%. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu tháng Chín tăng 9,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8%.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 124,5 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,3 tỷ USD, tăng 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,3 tỷ USD, tăng 20,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng ước tính đạt 130,4 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 14,1% của 9 tháng năm 2014.

Trong 9 tháng năm nay, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ gia công, lắp ráp và sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước tính đạt 20,9 tỷ USD, tăng 30,2%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 31%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,1 tỷ USD, tăng 33,6%; vải đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,7%; sắt thép đạt 5,8 tỷ USD, tăng 7,2%; ô tô đạt 4,3 tỷ USD, tăng 71,6%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 2,1 tỷ USD, tăng 113,2%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9%; kim loại thường khác đạt 3 tỷ USD, tăng 21,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,8 tỷ USD, tăng 22,8%; bông tăng 44,2% về lượng và tăng 17,1% về kim ngạch, tương đương 248 nghìn tấn và 191 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 243,6% về kim ngạch, tương đương 1,4 tỷ USD do nhập khẩu và thuê mua máy bay.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ: Chất dẻo đạt 4,3 tỷ USD, giảm 6,7%; xăng dầu đạt 3,9 tỷ USD, giảm 36,2%; hóa chất đạt 2,4 tỷ USD, giảm 1,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 5%; sợi dệt đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,6%.

Về cơ cấu hàng nhập khẩu, trong 9 tháng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 113,5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,1% tổng kim ngạch (cùng kỳ năm 2014 chiếm 90,4%), trong đó máy móc thiết bị ước tính đạt 51,7 tỷ USD, tăng 28,3% và chiếm 41,5%, tăng 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2014; nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 61,8 tỷ USD, tăng 8,9% và chiếm 49,6%, giảm 3,3 điểm phần trăm. Nhập khẩu nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng 9 tháng đạt 11,1 tỷ USD, tăng 7% và chiếm 8,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, thấp hơn tỷ trọng 9,6% của cùng kỳ năm 2014.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 21,5%; điện thoại các loại tăng 18,8%; vải tăng 12,6%. Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 20,9 tỷ USD, tăng 32,4%, trong đó máy tính và linh kiện tăng 42,4%; máy móc thiết bị tăng 77,8%; điện thoại tăng 87%. ASEAN đạt 17,6 tỷ USD, tăng 3,3%, trong đó máy móc thiết bị tăng 14,8%; hóa chất tăng 16,7%; hàng điện gia dụng tăng 44%. Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, tăng 19%, trong đó máy móc thiết bị tăng 39,5%; máy tính và linh kiện tăng 45,2%; sắt thép tăng 9,6%. EU đạt 8,1 tỷ USD, tăng 23,3%, trong đó máy móc thiết bị 18,9%; phương tiện vận tải tăng 303,9%; dược phẩm tăng 16,3%. Hoa Kỳ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 32,4%, trong đó máy tính tăng 86,2%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng 25,4%; bông tăng 51%.

Nhập siêu tháng Chín ước tính 100 triệu USD. Tính chung 9 tháng, nhập siêu ở mức 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu cao ở mức 15,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2014 là 4,1 tỷ USD); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu 11,9 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 3,7 tỷ USD). Riêng nhập siêu từ Trung Quốc 9 tháng là 24,3 tỷ USD, tăng mạnh ở mức 21,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tác động của việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc và Việt Nam chưa thể hiện rõ trong kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu 9 tháng qua, nhưng trong quý IV có thể sẽ bị ảnh hưởng và nhập siêu từ Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng cao.