Xuất - nhập khẩu Việt Nam: Những điểm "sáng - tối"

Nguyễn Thị Mai

Trong những năm qua, xuất - nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Xuất - nhập khẩu tăng trưởng với nhịp độ bình quân khá cao về kim ngạch, đa dạng và phong phú về mặt hàng. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, phía sau của thành công là một loạt những tồn tại cần sớm được giải quyết.

Xuất - nhập khẩu Việt Nam: Những điểm "sáng - tối"
Bức tranh xuất - nhập khẩu Việt Nam đang bộc lộ những bất cậ. Nguồn: Internet

Điểm sáng trong bức tranh xuất - nhập khẩu

Những năm gần đây, nhất là sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tình hình xuất khẩu có nhiều khởi sắc hơn so với giai đoạn trước. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu khá cao trong năm 2007 và 2008, tương ứng là 21,9%, và 29,1%. Sau khi giảm 8,9% vào năm 2009 do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, xuất khẩu tăng trở lại ở mức 25,5% năm 2010 và 34,2% năm 2011.

Trong cả giai đoạn 2007-2011, xuất khẩu đã tăng 2,4 lần, từ 39,8 tỷ USD lên 96,9 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 19,5%/năm, cao hơn chỉ tiêu 16%/năm trong kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có rất nhiều khó khăn, nhưng tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước đạt hơn 200 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu đạt 114,57 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2011 và gấp 3,5 lần năm 2005. Kim ngạch xuất khẩu/GDP đạt khoảng 81,7%, cao hơn mức kỷ lục 80,8% của năm 2011. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng GDP (lên đến 3,6 lần). Tỷ lệ xuất khẩu/GDP và hệ số tốc độ tăng đạt cao như trên đã cho thấy, xuất khẩu là lối ra, là động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Từ năm 2007, tình hình nhập khẩu cũng bắt đầu biến động mạnh. Tăng trưởng nhập khẩu đạt tới 40% năm 2007 và 28,6% năm 2008. Do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, nhập khẩu giảm còn 13,3% năm 2009.

Tuy nhiên, nhập khẩu đã nhanh chóng phục hồi, năm 2010 tăng 20% và năm 2011 tăng 25,9%. Trong giai đoạn 2007-2011, nhập khẩu tăng 2,4 lần, từ 44,9 tỷ USD lên 106,7 tỷ USD. Tốc độ tăng nhập khẩu trung bình trong cả giai đoạn 2007-2011 là 18,9%/năm.

Tỷ lệ nhập khẩu so với GDP đạt đỉnh khoảng 88,6% vào năm 2008, sau đó giảm xuống còn 72,0% vào năm 2009, rồi lại tăng lên 87,1% vào năm 2011. Năm 2012, giá trị nhập khẩu đạt 113,79 tỷ USD, tăng 6,6 % so với năm 2011. Nhìn chung, mức độ tăng nhập khẩu có thấp hơn giai đoạn trước đó (nhập khẩu tăng 2,8 lần và tốc độ tăng nhập khẩu bình quân 22,6%/năm).

Nhập khẩu dường như chỉ tăng nhanh đột biến ngay sau khi nước ta gia nhập WTO, nhưng sau đó tăng chậm lại. Điều này có thể là do Việt Nam đã dần thích ứng với cuộc chơi trong WTO, ở cả cấp hoạch định chính sách và cấp doanh nghiệp. Nhập khẩu tăng trước hết là để bù đắp chênh lệch đầu tư - tiết kiệm do đầu tư tăng mạnh.

Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng mạnh là do: (i) Thu nhập tăng, cộng với hiệu ứng thu nhập từ tài sản tăng; (ii) Giảm thuế quan đối với một số mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu; (iii) Nhu cầu sản xuất trong nước (kể cả của khu vực FDI, nhất là phương thức gia công - xuất khẩu còn khá phổ biến.

Sau khi gia nhập WTO, nhập siêu hàng hóa tăng mạnh, đạt 14,2 tỷ USD vào năm 2007 và 18,0 tỷ USD năm 2008 (so với 5,1 tỷ USD năm 2006). Sau đó, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và các chính sách của Chính phủ, nhập siêu giảm xuống 12,9 tỷ USD vào năm 2009, và 9,8 tỷ USD năm 2011. Riêng năm 2012, lần đầu tiên sau gần 20 năm Việt Nam xuất siêu với 284 triệu USD.

Tính theo tỷ lệ kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa trên GDP, độ mở thương mại của Việt Nam đã tăng gần như liên tục, từ 130,4% năm 2005 lên 157,4% vào năm 2008. Sau khi sụt giảm vào năm 2009, độ mở thương mại tăng trở lại kể từ năm 2010 và đạt tới 166,1% vào năm 2011, năm 2012 đạt khoảng 182% cao nhất từ trước tới nay.

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những thành công, bức tranh xuất - nhập khẩu Việt Nam đang bộc lộ những bất cập.

Một là, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm gia công và nguyên liệu thô. Tính riêng trong năm 2012, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nguyên liệu thô khai thác còn lớn (chỉ tính riêng dầu thô, than đá, quặng và khoáng sản đã đạt trên 9,65 tỷ USD, chiếm 8,4%). Nông, lâm - thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế chiếm tỷ trọng cao (đạt khoảng 27 tỷ USD, chiếm 23,6%).

Hàng gia công, lắp ráp còn lớn (chỉ tính riêng dệt may, giày dép, xơ sợi dệt các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện và một số loại khác có kim ngạch trên 33 tỷ USD, chiếm 29%). Chỉ với 3 nhóm trên đã chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, suốt giai đoạn từ nửa cuối năm 2011 đến hết năm 2012, trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, điện thoại các loại và linh kiện điện tử luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 11,413 tỷ USD, đứng thứ 2 sau dệt may, đồng thời đây cũng là 2 nhóm hàng duy nhất đạt kim ngạch xuất khẩu luôn ổn định ở mức trên 1 tỷ USD/tháng. Những tháng đầu năm 2013, điện tử và dệt may sẽ tiếp tục là 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Điều này cho thấy, cơ cấu hàng xuất khẩu đang có sự chuyển dịch dần từ xuất nguyên liệu thô sang các mặt hàng gia công.

Hai là, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu Việt Nam còn thấp. Mặc dù, xuất khẩu của Việt Nam đang dần xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại chiếm lĩnh thị trường trên thế giới chủ yếu ở nhóm hàng hóa cơ bản, như: dầu mỏ và khoáng sản, nông sản, hàng dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và điện tử. Đây là những ngành thâm dụng lao động lớn, nhưng về xu thế không còn tăng trưởng nhanh trên thế giới, đồng thời rất dễ bị ảnh hưởng bởi việc hạ thấp chi phí từ các đối thủ mới, có chi phí lao động thấp.

Khá nhiều các mặt hàng xuất khẩu, kể cả những mặt hàng có kim ngạch lớn chưa có thương hiệu riêng, xuất khẩu thường phải thông qua đối tác khác, nên giá bán thường thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ. Chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Việt Nam chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam hiện nay, ở chừng mực nào đó, chủ yếu dựa vào việc khuyến khích khai thác tài nguyên thiên nhiên và sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố đầu vào gây ô nhiễm.

Ba là, còn nhập siêu lớn ở những thị trường gần, phần lớn thị trường không phải là công nghệ nguồn, thậm chí là kỹ thuật - công nghệ thấp, hoặc đã được họ chuyển giao lại trong quá trình hiện đại hóa. Lý do cơ bản là, thay vì sản xuất ra với chi phí cao các sản phẩm phụ trợ đầu vào, doanh nghiệp có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và ASEAN với chất lượng tương đương và giá thành rẻ hơn nhiều (không tính đến phần nhập khẩu công nghệ). Năm 2012, Việt Nam nhập siêu từ 28 thị trường, trong đó lớn nhất là Trung Quốc với gần 16,4 tỷ USD; Hàn Quốc: 9,96 tỷ USD, Đài Loan: 6,45 tỷ USD…

Điều đáng buồn là, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN không chỉ là nguyên phụ liệu, mà còn bao gồm công nghệ sản xuất, hàm nghĩa Việt Nam đang nhập khẩu công nghệ lạc hậu và cũ kỹ của khu vực, trong lúc chưa tiếp cận được công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển. Điều này dẫn đến việc càng khó tăng năng suất trong tương lai, cũng như khó có thể giúp Việt Nam bước nhanh hơn trong việc theo đuổi giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, chưa nói là sa vào bẫy thu nhập trung bình.

Bốn là, khối đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của khối này vẫn giữ được đà tăng ấn tượng (18,3%), bất chấp những khó khăn chung của kinh tế thế giới.

So với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khu vực ASEAN, như: Philippines, Malaysia, Thái Lan, thì động lực tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ và có phần vượt hơn.

Động lực này có sự đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp FDI, với giá trị xuất khẩu lên đến 60,04 tỷ USD, tăng 33,8 % so với năm trước; trong khi giá trị nhập khẩu của khối này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,7 % tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, tương đương với 59,94 tỷ USD, tăng 22,7 % so với năm 2011.

Điều này được giải thích là do họ vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh và thị trường, trong khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước vẫn đang suy yếu. Hiện trạng này cho thấy, sức khỏe và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa là rất có vấn đề.

Năm là, xuất siêu đạt được chưa thật bền vững. Suốt thời kỳ 1994-2011, giá trị nhập khẩu luôn lớn hơn so với giá trị xuất khẩu. Điều đáng lo ngại là thâm hụt thương mại tăng dần theo thời gian.

Nếu trong năm 2005 thâm hụt thương mại đạt khoảng 4,54 tỷ USD, thì đến năm 2008 mức thâm hụt lên đến 18,03 tỷ USD, gấp gần 4 lần trong vòng chỉ 3 năm. Năm 2009 mức thâm hụt là 12,85 tỷ USD gấp 3 lần so với năm 2005. Trong năm 2011, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về nhập siêu với mức thâm hụt vào 9,84 tỷ USD.

Tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán kéo dài sẽ tạo áp lực lên việc phá giá đồng nội tệ và điều chỉnh lãi suất. Về lâu dài, thâm hụt cán cân thanh toán được bù đắp bằng nguồn ngoại tệ từ khu vực FDI, kiều hối. Nếu không đủ, thì Chính phủ phải đi vay thông qua việc điều chỉnh chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng với lãi suất ngoại tệ, từ đó gây áp lực phá giá lên đồng nội tệ và ảnh hưởng đến lạm phát cũng như mức tăng giá nói chung.

Tuy nhiên, năm 2012, cán cân thương mại có sự đảo chiều, lần đầu tiên trong gần 20 năm kể từ 1993 Việt Nam xuất siêu. Song, khả năng xuất siêu của Việt Nam không bền vững do những hạn chế, bất cập về mô hình kinh tế như đã đề cập ở trên. Một điểm đáng lưu ý là nguyên nhân của xuất siêu năm 2012 chủ yếu do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam quá yếu, nhập khẩu nguyên, vật liệu sản xuất giảm mạnh.

Một số giải pháp

Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong bức tranh xuất – nhập khẩu Việt Nam, trong thời gian tới, theo nghiên cứu của chúng tôi cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục khai thác mở rộng thị trường thương mại. Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ. Xây dựng chính sách cụ thể và phù hợp về phát triển thị trường trong nước.

Thứ hai, sử dụng các biện pháp hợp pháp quản lý nhập khẩu. Việc xây dựng hàng rào kỹ thuật trong khuôn khổ các quy định của WTO để quản lý nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam hầu như chưa sử dụng được các biện pháp hợp pháp này để kiểm soát nhập khẩu và hạn chế nhập siêu. Chưa nói đến việc, dường như rất yếu ớt trong việc kiểm soát hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả và hàng độc hại từ thị trường Trung Quốc.

Có 2 nguyên nhân chính ở đây: (i) Nếu như Việt Nam đưa ra một tiêu chuẩn kỹ thuật nào đó buộc hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài phải tuân thủ, thì theo quy định của WTO, hàng hóa của Việt Nam sản xuất và bán trên thị trường nội địa cũng phải tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật đó. Điều này không dễ dàng đối với chính các doanh nghiệp Việt Nam. (ii) Việc phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu hiện không rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện.

Thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng các hàng rào phi thuế quan phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam.

Thứ ba, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để tăng nguồn hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Để làm được điều này, Việt Nam cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng khả năng cho và nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI; chuyển hướng nhập siêu sang các nước phát triển, du nhập công nghệ nguồn, công nghệ cao để nâng cao năng lực sản xuất nội địa.
___________________

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013). Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tháng 4/2013, Hà Nội;

2. Phương Nam (2013). Năm 2012, xuất khẩu có nhiều điểm nổi trội, Kinh tế 2012-2013: Việt Nam & Thế giới, chuyên san thường niên của Thời báo Kinh tế Việt Nam, tháng 1/2013;

3. Phạm Huyền (2012). Xuất siêu “được tiếng không được miếng", Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, truy cập từ http://vef.vn/dau-tu-thong-minh/2012-12-25-xuat-sieu-duoc-tieng-khong-duoc-mieng.