08 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương giải ngân vốn đầu tư công trên 60%

PV.

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 8 tháng và ước thực hiện tháng 9 năm 2020. Theo đó, có 08 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/9/2020 đạt trên 60%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tỷ lệ giải ngân chuyển biến tích cực

Theo Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/8/2020 là 235.292,81 tỷ đồng, đạt 43,93% kế hoạch (535.576,13 tỷ đồng) và đạt 49,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng). Trong đó, vốn trong nước là 222.116,9 tỷ đồng (đạt 46,7% kế hoạch) và vốn nước ngoài là 13.175,91 tỷ đồng (đạt 21,96% kế hoạch).

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9/2020 là 269.207,94 tỷ đồng, đạt 50,27% kế hoạch (535.576,13 tỷ đồng) và đạt 57,15% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng). Kết quả này cho thấy tỷ lệ giải ngân 8 tháng và ước 9 tháng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm, đặc biệt là khối địa phương.

Đến ngày 30/9/2020, có 08 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Trong đó, 06 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70% gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (95,32%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội Vụ (87,67%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (73,49%), Thông tấn xã Việt Nam (70,06%); Hưng Yên (87,73%), Ninh Bình (82,46%), Thái Bình (79,5%), Hà Nam (71,15%), Tiền Giang (70,96%), Phú Yên (70,85%). Tuy nhiên, còn 11 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Đề xuất cắt giảm vốn của các bộ, ngành tỷ lệ giải ngân dưới 60%

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập 07 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số bộ trưởng làm trưởng đoàn. Các đoàn sau khi về địa phương sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Theo tổng hợp từ các đoàn công tác, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Đặc biệt là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gắn với khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện, hoạt động giải ngân.

Tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công còn do một số nguyên nhân như: vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các Nghị định trước đó (Nghị định số 132/2018/NĐ-CP, Nghị định số 16/2016/NĐ-CP), đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay. Vì vậy, các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân chủ quan như: năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát…. ở cơ sở, nhất là cấp xã còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; chủ đầu tư chậm trễ trong việc trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, dự án; chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng…

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/9/2020 dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong tháng 10/2020. Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt thực hiện các chỉ đạo, giải pháp tại các Nghị quyết, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.