10 hình thức xử lý nợ mua, tiếp nhận của DATC

Xuân Thanh

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) có thể thực hiện mua nợ và tài sản thông qua thỏa thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản. Đây là một trong những nội dung đổi mới được quy định tại Nghị định 129/2020/NĐ-CP, ngày 27/10/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC

 DATC hoạt động kinh doanh dưới hình thức tiếp nhận nợ hoặc mua nợ. Đối với hình thức mua nợ, theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP, DATC sẽ mua, xử lý nợ và tài sản theo nhiệm vụ, phương án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định.

Bên cạnh đó, DATC được mua các khoản nợ trong nước và nước ngoài (bao gồm cả trái phiếu, hối phiếu, công cụ nợ khác do các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ, kể cả hối phiếu, trái phiếu do chính DATC phát hành) và tài sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ) của các tổ chức và cá nhân. Các khoản nợ phải thu phát sinh từ nghiệp vụ mua nợ của DATC là một loại hàng hóa và được quản lý, theo dõi theo từng khoản nợ mua.

Các hình thức mua nợ, tài sản của DATC bao gồm: Mua theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thỏa thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản; Tham gia đấu thầu, đấu giá mua nợ và tài sản.

Mặt khác, Chính phủ cũng quy định 10 hình thức xử lý nợ mua, tiếp nhận của DATC. Theo đó, sau khi mua nợ hoặc tiếp nhận nợ, DATC có thể xử lý nợ theo các hình thức quy định tại Điều 16 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP, cụ thể sau đây:

Một là, thu hồi nợ trực tiếp từ bên nợ và các bên có liên quan bằng tiền, tài sản, các công cụ nợ (trái phiếu, hối phiếu).

Hai là, quản lý, đầu tư, khai thác, xử lý tài sản bảo đảm (bao gồm cả tài sản nhận gán nợ) để thu hồi nợ.

Ba là, bán nợ theo các phương thức: đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh, thỏa thuận trực tiếp với các tổ chức, cá nhân (không bao gồm bên nợ). DATC thực hiện bán nợ theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua khi đáp ứng một trong những trường hợp sau:

- Sau khi đã bán nợ theo phương thức đấu giá công khai hoặc chào giá cạnh tranh nhưng không thành công.

- Trước khi DATC ký hợp đồng mua nợ đã có khách hàng cam kết mua lại từ 51% trở lên hoặc toàn bộ khoản nợ đó, đồng thời đáp ứng được các điều kiện của DATC về giá cả, thanh toán và đặt cọc, khả năng tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sau tái cơ cấu.

Bốn là, nhận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ bên nợ sang bên thứ ba.

Năm là, ủy thác thu hồi nợ hoặc thu hồi nợ thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Sáu là, chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp.

Bẩy là, cơ cấu lại nợ theo các hình thức: điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, khoanh nợ, điều chỉnh lãi suất khoản nợ.

Tám là, giảm trừ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ.

Chín là, thu nợ có chiết khấu.

Mười là, các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, đối với tài sản mua, tiếp nhận, DATC được xử lý bằng các hình thức: Chuyển nhượng tài sản (bao gồm cả dự án đã mua, tiếp nhận theo chỉ định); dùng tài sản (bao gồm cả tài sản là mua, tiếp nhận theo chỉ định) để hợp tác kinh doanh, góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết; hoặc quản lý, đầu tư để khai thác, bán, cho thuê tài sản (bao gồm cả dự án đã mua, tiếp nhận theo chỉ định).