10 lý do làm nên thành công của Singapore
(Tài chính) Mạng tin TheDiplomate vừa có bài viết của Giáo sư Kishore Mahbubani, Trưởng khoa tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu trực thuộc Đại học Quốc gia Singapore, về 10 lý do chính giúp Singapore trở thành quốc đảo phát triển nhất thế giới.
Trước tiên, Singapore đã may mắn có được những người cha sáng lập xuất sắc như Lý Quang Diệu, S. Rajaratnam và Goh Keng Swee.
Thứ hai, quốc đảo đã vun đắp một nền văn hóa trọng dụng nhân tài. Chính phủ Singapore bảo đảm rằng các công chức của họ được tuyển dụng và thăng tiến bằng công sức của họ và được trả lương một cách thỏa đáng. Ông Lý Quang Diệu từng nói: “Một ban lãnh đạo chính trị vững mạnh cần phải làm việc một cách trung thực, hiệu quả và trung lập”.
Thứ ba, các nhà lãnh đạo của Singapore áp dụng chủ nghĩa thực dụng như một triết lý lãnh đạo. Ông Goh Keng Swee đã dày công nghiên cứu về chính sách khôi phục của Minh Trị. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã ra sức nghiên cứu, mô phỏng và áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của nước ngoài vào Nhật Bản. Singapore cũng áp dụng một cách tiếp cận tương tự.
Thứ tư, Singapore tối đa hóa khả năng linh hoạt trong chính sách đối ngoại của mình. Nhận thức được rằng các quốc gia nhỏ không có đủ khả năng để đối phó với kẻ thù, Singapore đã xây dựng các mối quan hệ của mình một cách khéo léo nhằm duy trì hòa bình và thịnh vượng. Ông S. Rajaratnam từng phát biểu tại Liên Hợp Quốc 1965: “Chúng tôi muốn chung sống hòa bình với tất cả các quốc gia láng giềng, chỉ đơn giản vì chúng tôi sẽ mất mát rất nhiều nếu xảy ra chiến tranh với họ. Vì vậy, tất cả những gì mà chúng tôi đề nghị là được tự phát triển đất nước theo cách mà mọi người dân của chúng tôi mong muốn”.
Thứ năm, các nhà lãnh đạo Singapore chủ trương việc bắt đầu sự nghiệp xây dựng đất nước bằng những thành công nho nhỏ. Ở thời kỳ đầu, mục tiêu phát triển không nhất thiết là phải tiến hành cải cách sâu rộng, mà là tiến hành các bước nhỏ hơn nhưng có tác động lớn đến cuộc sống thường nhật của người dân, chẳng hạn như việc lắp đặt một vòi nước để cung cấp nước cho dân làng.
Thứ sáu, Singapore không dựa vào viện trợ nước ngoài mà dựa vào thương mại và đầu tư để đạt được mục tiêu phát triển của mình. Phần lớn viện trợ của phương Tây thường trở về các quốc gia tài trợ dưới hình thức chi phí hành chính, chi phí tư vấn và các hợp đồng… Điều đó có nghĩa là số tiền mà các nước đang phát triển thực sự nhận được là rất nhỏ. Ban Phát triển Kinh tế của Singapore đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho Singapore.
Thứ bảy, Singapore đã xây dựng được một chính sách toàn diện về sắc tộc. Để giải quyết một cách hài hòa vấn đề sắc tộc, trong đó có các cộng đồng người gốc Trung Quốc, Mã Lai và Ấn Độ, Singapore sử dụng bốn ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil. Ngoài ra, Singapore còn xây dựng chính sách cân bằng trong trong các trường học, nơi tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ chung để truyền đạt kiến thức, nhưng vẫn cho phép các nhóm học sinh học tiếng “mẹ đẻ” của mình.
Thứ tám, các nhà lãnh đạo Singapore ủng hộ các tính toán dài hạn. Một ví dụ điển hình là vấn đề bảo đảm nguồn cung cấp nước. Mặc dù quốc đảo này đã ký một thỏa thuận về nước trong thời hạn 100 năm với Malaysia vào năm 1961, nhưng các nhà lãnh đạo đất nước cũng thừa nhận những nguy cơ khi phải dựa vào quốc gia láng giềng để có được một nguồn tài nguyên quan trọng đến vậy. Vì thế, họ đã đầu tư theo nhiều cách để có được các nguồn cung riêng của mình, trong đó có các nguồn cung từ các hồ chứa, các nhà máy khử muối và các cơ sở thu gom nước.
Thứ chín, Singapore tránh áp dụng các biện pháp mang màu sắc dân túy. Chẳng hạn, các nhà lãnh đạo đất nước cho rằng việc cung cấp phúc lợi cho người dân một cách miễn phí sẽ làm suy yếu khả năng tự lực và nuôi dưỡng tâm lý ỉ lại vào nhà nước. Singapore cung cấp phúc lợi cho người dân theo những cách khác, thông qua các dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng cao, cung cấp nhà ở và giao thông công cộng với giá phải chăng và một quỹ tiết kiệm bắt buộc dành cho người lao động.
Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Singapore trung thực và không tham nhũng, điều này khiến người dân cảm thấy tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của họ, đồng thời khiến các nhà đầu tư yên tâm khi kinh doanh tại quốc đảo này.