10 sự kiện ngành Bảo hiểm Việt Nam năm 2014
(Tài chính) Bức tranh toàn cảnh ngành bảo hiểm Việt Nam năm 2014 theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.
1. Lần đầu tiên Bộ Tài chính tổ chức đối thoại giữa Bộ Tài chính với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ, DNBH phi nhân thọ, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại hội nghị Tổng kết ngành bảo hiểm 2013, ngày 28/2/2014. Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến phản ánh và các giải pháp đề xuất, giao cho các đơn vị trong Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết.
2. Tổng kết thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Cụ thể, đối với chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có 304.016 hộ nông dân và 1 tổ chức tham gia; phí bảo hiểm thu được là 394 tỷ đồng; bồi thường 701,8 tỷ đồng.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu có 46 hợp đồng bảo hiểm; kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 605 triệu USD; tổng phí bảo hiểm là 17 tỷ đồng; chi trả bồi thường là 13 tỷ đồng.
3. Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời tổ chức đoàn khảo sát thực tế, ban hành và tổ chức tập huấn các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm khai thác hải sản. Đây là chính sách bảo hiểm trọng tâm của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác hải sản xa bờ, đồng thời phục vụ bảo hiểm cho ngư dân nhanh chóng, thuận lợi và bám sát nguyên tắc bảo hiểm mọi rủi ro với mức trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cao nhất trong phạm vi bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo quy định, ngoại trừ những rủi ro mang tính chủ quan của người được bảo hiểm và các hành vi trục lợi bảo hiểm.
Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PVI là 4 DN được lựa chọn triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản theo Nghị định 67/NĐ-CP, Vinare là nhà tái bảo hiểm.
4. Chế độ quản lý Nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đảm bảo năng lực tài chính của DNBH. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định 91 tháo gỡ khó khăn về thuế cho đại lý bảo hiểm và người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ hoạch toán kế toán đối với DNBH nhân thọ; Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư liên tịch số 86 về việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng và tổ chức tín dụng…
5. BIDV Met Life và chi nhánh Công ty Bảo hiểm Bảo Lãnh Seoul Hàn Quốc (phi nhân thọ) được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
6. Sau khi xảy ra sự kiện ngày 13,14/5/2014 tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, đôn đốc các DNBH chủ động, phối hợp chặt chẽ với địa phương có liên quan và các DN bị thiệt hại khẩn trương tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với các trường hợp thuộc phạm vi bảo hiểm. Đến nay, các DNBH đã tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường cho các DN bị thiệt hại với số tiền 268 tỷ đồng.
7. Các DNBH phi nhân thọ xây dựng quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm vật chất xe cơ giới để Bộ Tài chính phê duyệt vào cuối năm 2014 vì sau nhiều năm thua lỗ nghiệp vụ ảnh hưởng tới khả năng chi trả, bồi thường.
8. Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ phối hợp với Cục quản lý, giám sát bảo hiểm triển khai hội nghị tập huấn bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và đối thoại giữa DNBH và lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
9. Thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển, các DNBH tiếp tục tái cơ cấu. Năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013; đầu tư vào nền kinh tế ước đạt 131.371 tỷ đồng (tăng trưởng 15,6%).
10. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kỷ niệm 15 năm thành lập và hoạt động (25/12/1999 – 25/12/2014) và chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ III, tiến hành đại hội nhiệm kỳ IV vào đầu năm 2015.