10 trung tâm tài chính tăng trưởng nhanh nhất thế giới
(Tài chính) Không phải New York, London hay Tokyo mà là những cái tên của Đông Nam Á, Đông Á, Trung Đông và châu Phi.
Danh sách được Business Insider công bố sau khi so sánh chỉ số Thành phố Tài chính Toàn cầu được công bố vào tháng 3/2015 và 5 năm trước.
Đáng chú ý nhất là những cái tên nổi tiếng như New York, London hay Tokyo, đều không phải là những trung tâm tài chính phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua. Thay vào đó là những cái tên của Đông Á, Trung Đông và châu Phi.
Dưới đây là danh sách 10 trung tâm tài chính phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua của Business Insider.
1. RIYADH - Tính đến nay, thủ đô của Saudi Arabia là trung tâm tài chính tăng trưởng nhanh nhất thế giới với bước nhảy vọt đáng kinh ngạc (55 bậc) trong bảng xếp hạng kể từ năm 2010. Tới đây, Riyadh sẽ mở cửa các thị trường tài chính đối với giới đầu tư nước ngoài.
2. ISTANBUL - Bất chấp những bất ổn về chính trị và kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, Istanbul vẫn là trung tâm tài chính "nóng" nhất tại khu vực Đông Âu và Trung Á. Istanbul tăng 30 bậc xếp hạng kể từ năm 2010.
3. JOHANNESBURG - Thành phố này của Nam Phi tăng lên vị trí thứ 54 từ vị trí thứ 32 ghi nhận năm 2010. Đây là thành phố có mức xếp hạng cao nhất tại khu vực châu Phi cận Sahara.
4. SEOUL - Thủ đô của Hàn Quốc tăng 21 bậc xếp hạng kể từ năm 2010. Hiện nay, Seoul cũng đang nỗ lực để trở thành trung tâm tài chính lớn nhất của Đông Á. Seoul xếp hạng thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực ngân hàng.
5. CASABLANCA - Thành phố này của Morocco tăng 20 bậc xếp hạng kể từ năm 2014 và là trung tâm tài chính phát triển nhanh nhất khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong năm nay.
6. PANAMA - Vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi (nối liền giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương) đã giúp lĩnh vực tài chính của Panama bùng nổ mạnh mẽ. Panama đã tăng 13 bậc xếp hạng kể từ năm 2013.
7. DOHA - Thủ đô của Qatar tăng 16 bậc trên bảng xếp hạng trong vòng 5 năm qua và hiện là trung tâm tài chính quan trọng thứ 2 của Trung Đông.
8. KUALA LUMPUR - Thủ đô của Malaysia tăng 13 bậc xếp hạng kể từ năm 2010 và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với tư cách là trung tâm tài chính của châu Á.
9. BANGKOK - Thủ đô của Thái Lan tăng 11 bậc kể từ năm 2010 dù gặp phải nhiều biến động chính trị trong thời gian gần đây.
10. ALMATY - Thành phố lớn nhất của Kazakhstan tăng 9 bậc kể từ khi có mặt trong báo cáo về Chỉ số Thành phố Tài chính Toàn cầu (GFCI) hồi năm 2009.