15 nền kinh tế “khốn khổ” nhất thế giới
(Tài chính) Sử dụng công thức đơn giản “tỷ lệ thất nghiệp + thay đổi về chỉ số CPI = khốn khổ”, Bloomberg đã đưa ra “chỉ số khốn khổ”...
Hãng tin tài chính Bloomberg vừa công bố “chỉ số khốn khổ 2015” - một xếp hạng các quốc gia về mức độ khó khăn trong đời sống của người dân. Đứng đầu danh sách này là đất nước Nam Mỹ Venezuela.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel đã quá cố Milton Friedman từng nói rằng, lạm phát là căn bệnh có thể phá vỡ một xã hội. Theo lý thuyết của Friedman, lạm phát cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tạo hiệu ứng khốn khổ đối với người dân trong một đất nước.
Sử dụng công thức đơn giản “tỷ lệ thất nghiệp + thay đổi về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) = khốn khổ”, Bloomberg đã đưa ra “chỉ số khốn khổ”. Theo đó, Venezuela, Argentina, Nam Phi, Ukraine và Hy Lạp là 5 nền kinh tế được dự báo sẽ khốn khổ nhất năm nay.
Trong trường hợp Ukraine, bất ổn chính trị khiến những khó khăn kinh tế càng thêm phần tồi tệ. Cuộc xung đột giữa Chính phủ và lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine được dự báo là sẽ khiến nạn thất nghiệp ở quốc này kéo dài. Lạm phát ở Ukraine cũng được nhận định là sẽ khó giảm trong thời gian trước.
“Cú đấm kép” thất nghiệp và lạm phát đồng nghĩa năm nay, người tiêu dùng Ukraine sẽ là những người có mức độ khốn khổ thứ tư trong số người tiêu dùng tại 51 nền kinh tế được khảo sát, bao gồm khu vực Eurozone.
Theo đánh giá của Bloomberg, tỷ lệ thất nghiệp của Ukraine sẽ tăng lên mức 9,5% trong năm nay từ mức 8,9% trong quý 3/2014. Lạm phát được dự báo tăng lên 17,5% so với mức 24,9% vào tháng 12 năm ngoái.
Tuy vậy, so với cuộc khảo sát “chỉ số khốn khổ” 2014 năm ngoái của Bloomberg, tình hình đối với Ukraine năm nay có vẻ như sẽ được cải thiện hơn. Năm ngoái, Ukraine đứng ở vị trí thứ hai trong chỉ số này.
Trong khi đó, mức độ khốn khổ của ba nền kinh tế Venezuela, Argentina và Nam Phi vẫn chưa được cải thiện là mấy so với đánh giá năm 2014. Cũng trong năm ngoái, các nước này cũng chiếm 3 trong số 4 vị trí đầu bảng của “chỉ số khốn khổ”.
Với mức lạm phát 78,5%, Venezuela có tỷ lệ lạm phát “vô địch” trong số các nước được khảo sát. Tình trạng thiếu thốn trầm trọng các loại hàng hóa thiết yếu ở Venezuela đã khiến quốc gia láng giềng Trinidad & Tobago tuần trước đề xuất Caracas đổi dầu lửa lấy giấy vệ sinh.
Đã 5 năm trôi qua sau ngày giới đầu tư phổ biến thuật ngữ “các nước PIIGS” để chỉ một số nước châu Âu với thâm hụt ngân sách khổng lồ, 4 trong số 5 quốc gia này vẫn trong tình trạng tồi tệ theo đánh giá của “chỉ số khốn khổ”. Trong đó, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy lần lượt xếp ở các vị trí 5, 6, 10 và 11.
Bloomberg cho biết, 51 nền kinh tế được khảo sát có GDP bình quân đầu người trung bình là 31.079 USD.
Và dưới đây là toàn bộ 15 nền kinh tế khốn khổ nhất thế giới theo đánh giá của Bloomberg:
1. Venezuela
2. Argentina
3. Nam Phi
4. Ukraine
5. Hy Lạp
6. Tây Ban Nha
7. Nga
8. Croatia
9. Thổ Nhĩ Kỳ
10. Bồ Đào Nha
11. Italy
12. Columbia
13. Brazil
14. Slovakia
15. Indonesia