Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế năm 2013 của Mỹ, Nhật Bản và EU tương ứng là 1,7%, 2% và – 0,6%, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của thế giới ước đạt khoảng 3%. Sự chênh lệch giữa hai kết quả này một phần phản ánh thực tế rằng tăng trưởng kinh tế đã được khởi sắc ở Mỹ và Nhật Bản vào nửa sau năm 2013.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế thấp ở các nước phát triển chủ chốt cho thấy vẫn còn nhiều rủi ro hệ thống và bất ổn trong nhóm nước này. Nếu không sớm khắc phục, thì cơ hội tăng trưởng kinh tế cho các nước này trong năm 2014 là rất mong manh.
Nước Mỹ tìm kiếm cơ hội tăng trưởng
Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ tuy đã hiện hữu nhưng còn rất mong manh. Nếu xét theo quý thì tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ luôn trong trạng thái trồi sụt. Theo số liệu của Văn phòng Phân tích Chính sách thuộc Bộ Thương mại Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ các quý I, II, III và IV/2012 tính theo giá đã điều chỉnh năm 2009 tương ứng là 3,7%, 1,2%, 2,8% và 0,1%, còn của quý I, II và III/2013 tương ứng là 1,1%, 2,5% và 4,1%. Sự thăng trầm của nền kinh tế Mỹ là bởi tác động của các yếu tố trong và ngoài nước.
Số liệu công bố của Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị và Bộ Thương mại Mỹ ngày 24/12/2013 cho thấy nhu cầu về nhà ở tiếp tục đẩy doanh số bán nhà mới trong tháng 10 và tháng 11 tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Số lượng nhà mới bán ra trong tháng 10 và 11 tương ứng là 474.000 căn và 464.000 căn, tăng trên 16 % so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cho cả năm 2013, thị trường nhà đất Mỹ ước tăng 29% so với năm 2012, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.
![]() |
Sự phục hồi của thị trường nhà ở Mỹ nhanh đến mức đang làm cho các nhà kinh doanh phải tính đến việc gia tăng đầu tư vào thị trường này trong tương lai gần. Nó không chỉ tác động đến tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến “nhịp thở” của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh sự phục hồi của thị trường bất động sản, những cải thiện trong khu vực chế tạo đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2013. Theo đánh giá của Viện Quản lý nguồn cung (Institute of Supply Management - ISM) Mỹ, chỉ số sản xuất chế tạo (MPI) của nước này đã đạt 57,6 - mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Đặc biệt, tháng 11/2013 là tháng thứ 6 liên tiếp có sự gia tăng nhanh trong sản xuất hàng chế tạo.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 24/12 cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới cho hàng hóa lâu bền đã tăng 3,5% trong tháng 11, đạt hơn 8 tỷ USD, trong đó, riêng các đơn đặt hàng máy bay tăng tới 22%. Qua những số liệu khả quan trên, các chuyên gia đã nâng mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong quý IV/2013 từ 2,3% lên 2,6%, đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2013 được cải thiện đáng kể.
Sản xuất gia tăng đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã gia tăng trong hầu hết các tháng năm 2013. Kết quả là cán cân thương mại đã dần được cải thiện, tuy thâm hụt vẫn còn ở mức khá cao, ước tính là 451,5 tỷ USD năm 2013 (so với 681,3 tỷ USD năm 2008). Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ chủ yếu là do gia tăng xuất khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện công nghiệp, hàng tiêu dùng, thực phẩm, các loại hạt và đồ uống.
Những kết quả trên đã làm giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ - từ mức đỉnh 10% vào năm 2009 xuống 7,3% vào tháng 8/2013 và ước tính cả năm 2013 có thể ở mức 7,0%. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng sự cải thiện này chủ yếu là do tổng lực lượng lao động giảm đi, tức là mức tham gia vào lực lượng lao động thấp hơn.
Nhân tố bên ngoài quan trọng nhất tác động lên tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2013 là sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Theo tính toán của IMF, nhóm các thị trường đang lên và các nước đang phát triển năm 2013 sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 4,5%, thấp hơn mức 4,9% năm 2012, song thấp đáng kể so với mức 6,2% của năm 2011. Trong đó, số liệu tăng trưởng tương ứng của Trung Quốc là 7,6% so với 7,7% và 9,2%, của Ấn Độ là 3,8% so với 3,2% và 6,3%, của Braxin là 2,5% so với 0,9% và 2,7%.
Với những kết quả trên đây, có thể thấy nền kinh tế Mỹ năm 2013 đã có được những cải thiện nhất định trong tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng trong sự tăng trưởng đó còn nhiều rủi ro.
Kết thúc năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP của nhóm các nước phát triển ước đạt 1%, thấp hơn mức 1,2% năm 2012 và 1,4% năm 2011, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của thế giới ước đạt 2,3%.
EU nỗ lực thoát khỏi trì trệ
Sau rất nhiều cố gắng, từ quý II/2013, khu vực đồng euro (Eurozone) mới có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, chấm dứt giai đoạn trì trệ kéo dài suốt 6 quý liên tiếp trước đó. Diễn biến này đã được thể hiện bằng việc các chuyên gia IMF đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này trong báo cáo kinh tế của mình. Tuy vậy, tính chung cho cả năm 2013 và cho toàn bộ khu vực Eurozone, kinh tế vẫn tiếp tục suy giảm ở mức 0,6%, ngang với năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều nước trong khu vực vẫn còn bị ảnh hưởng của giai đoạn trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao.
Dựa trên số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), sản xuất công nghiệp, không bao gồm xây dựng, của khu vực Eurozone nói riêng và EU 28 nói chung, tuy có tăng trưởng trong nửa sau năm 2013 nhưng vẫn rất bấp bênh. Tuy nhiên, so với năm 2012 thì kết quả khả quan hơn đối với một số nhóm hàng. So với tháng 10/2012, sản xuất hàng hóa trung gian trong tháng 10/2013 đã tăng 1,6% ở khu vực Eurozone và 2,0% trong EU 28.
Trong số các nước phát triển chủ chốt, vấn đề thất nghiệp của Eurozone nan giải hơn rất nhiều, làm cản trở quá trình phục hồi kinh tế của khu vực. Đến tháng 11/2013, tỷ lệ thất nghiệp khu vực Eurozone vẫn ở mức 12,1%.
![]() |
Yếu tố thứ hai làm cho các nền kinh tế khu vực đồng euro chưa thoát khỏi trì trệ một cách triệt để là do chưa có được sự tiến bộ trong quá trình tái cân bằng kinh tế bên ngoài, tức liên quan đến tài khoản vãng lai. Với những nước có thặng dư thương mại như Đức cũng khó giảm được thặng dư bởi cầu trong nước bị kìm hãm. Còn với những nước có thâm hụt, sự cải thiện tình trạng thâm hụt, nếu may mắn có được, cũng chủ yếu là do sức ép thị trường và cầu trong nước giảm.
Do đó, tái cân bằng bên ngoài chưa có tác động tích cực đến sản xuất trong nước và đặc biệt là tiêu dùng nội địa. Tuy vậy, cần ghi nhận rằng đây vẫn là khu vực luôn đạt thặng dư trong cán cân thương mại suốt nhiều năm qua. Nếu tính chung cho cả EU 28, năm 2013, thặng dư trong cán cân thương mại của khu vực này ước đạt 295,1 tỷ USD – tăng đáng kể so với mức 227 tỷ USD năm 2012.
Một yếu tố khác làm cho quá trình phục hồi của Eurozone là sự phân tán của thị trường tài chính và yếu kém của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở các nước ngoại vi, đã làm hạn chế tác động của chính sách tiền tệ của ECB.
Nhật Bản chạy đua tăng trưởng mới
Để đạt được sự tăng trưởng lâu dài, vào đầu năm 2013, Chính phủ mới của Nhật bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế bao gồm tăng ngân sách cho Chính phủ trung ương thêm 10,3 ngàn tỷ Yên (tương đương khoảng 2,2% GDP) thông qua thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt và trao quyền cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) gia tăng mua trái phiếu chính phủ Nhật bản mỗi năm trị giá 50 ngàn tỷ Yên, nhằm đảo ngược quá trình gia tăng nợ, chấm dứt giảm phát và đảm bảo mức lạm phát khoảng 2%/năm trong hai năm tới.
Theo đánh giá của BOJ, lạm phát kỳ vọng tăng sẽ khuyến khích tiêu dùng và đầu tư. Bên cạnh chính sách nới lỏng tiền tệ và tài chính, Chính phủ Nhật Bản còn coi cải cách cơ cấu là trọng tâm thứ ba trong chính sách kinh tế mới của mình, thông qua gia tăng đầu tư, giảm thất nghiệp và cải thiện năng suất lao động.
Một yếu tố khác góp phần thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng cao hơn so với Mỹ và EU trong năm 2013 là sự giảm giá của đồng yên so với USD và một số đồng tiền khu vực khác. Thực tế này đã góp phần đáng kể cho sự gia tăng xuất khẩu trong năm qua, giúp Nhật Bản duy trì được thặng dư trong cán cân thương mại ở mức 61,1 tỷ USD, gần như tương đương so năm 2012.
Tuy đánh giá rất cao chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Shinzoo Abe, song các chuyên gia IMF cũng cảnh báo về các rủi ro tiềm tàng của nó, khiến cho họ không thể đưa ra một dự báo sáng sủa hơn cho nền kinh tế Nhật Bản trong năm 2014 và tiếp đó. Theo đó, một nền kinh tế đã ở trong tình trạng giảm phát quá lâu, đi kèm với mức tăng trưởng thấp và mức thất nghiệp cao cùng với lương danh nghĩa hầu như không tăng, rất khó để đưa mức lạm phát kỳ vọng lên mức 2% như mục tiêu đề ra. Do đó, kỳ vọng về gia tăng đầu tư để cải thiện tăng trưởng cũng sẽ không cao.
Theo IMF, với Nhật Bản giải quyết vấn đề giảm phát vẫn là trọng tâm để hướng tới tăng trưởng cao và ổn định và để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản phải đưa ra nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ khác, bên cạnh việc thực hiện chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Shinzoo Abe.
Hy vọng ở tương lai
Các nước phát triển chủ chốt Mỹ, EU và Nhật Bản đã kết thúc năm 2013 với một kết quả khiêm tốn, song hứa hẹn một tương lai phát triển ở phía trước. Là nước số một thế giới, thị trường Mỹ luôn hấp dẫn các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Nhiều dự báo của các tổ chức kinh tế khác nhau đều cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng cao hơn từ năm 2014.
Việc mở rộng đầu tư liên tục bắt đầu từ quý III/2013 với mức 4,4% và có dấu hiệu tiếp tục duy trì trong tương lai là bằng chứng vững chắc cho nhận định khả quan đó. Theo dự báo của D&B, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2 – 2,5% cho đến năm 2017. Còn IMF dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng 2,6% năm 2014 và 3,1% năm 2015.
Theo đánh giá của D&B, triển vọng của khu vực EU trong những năm tới phụ thuộc nhiều vào hoạt động cải cách khung khổ thể chế của mình. IMF dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU năm 2014 có thể đạt mức 0,9%, nếu vẫn duy trì được đà phục hồi từ quý II/2013, những cải thiện trên thị trường tài chính ở một vài nước thành viên, cầu bên ngoài gia tăng và hoạt động cho vay đối với khu vực tư nhân được cải thiện.
Với Nhật Bản, hầu hết các dự báo đều cho rằng kinh tế nước này năm 2014 sẽ tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là vì gói kích thích kinh tế sẽ kết thúc và thuế tiêu dùng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nếu Chính phủ Nhật Bản đưa ra gói kích thích kinh tế khác và lạm phát kỳ vọng có thể đạt được mức 2-3% thì triển vọng sẽ có phần khả quan hơn. Các chuyên gia kinh tế có lưu ý về tác động không thuận lợi của những thay đổi nhân khẩu học đối với triển vọng kinh tế của Nhật bản là rất đáng quan tâm vì tổng lực lượng lao động của nước này đã giảm 1% trong năm 2012 và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. UN, World Economic Situation and Prospects 2013 – Update as up mid-2013;
2. IMF, World Economic Outlook, Oct. 2013;
3. IMF, World Economic Outlook Update, July 9, 2013;
4. Eurostat Newsrelease Euroindicators, 189/2013, Dec. 12, 2013.
2013 – Năm chạy đua của các cường quốc
(Tài chính) Trải qua 5 năm khắc phục những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế chủ chốt nói riêng và kinh tế thế giới nói chung vẫn chưa đạt được sự phục hồi như mong đợi. Vì vậy, năm 2013 là năm chạy đua để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới, cho dù trong mỗi nước có những vấn đề trọng tâm khác nhau cần phải giải quyết.
Xem thêm