2014 - năm thứ 3 liên tiếp nước ta có thặng dư thương mại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kết thúc năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm trước, nhập khẩu ước đạt 148 tỷ USD. Như vậy, cả năm Việt Nam xuất siêu gần 2 tỷ USD và đây là năm thứ 3 liên tiếp kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chúng ta có thặng dư thương mại. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, xuất khẩu tăng trưởng cao đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, xét kỹ về tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng như giá trị gia tăng thu được thì còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Kết thúc năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Nguồn: internet
Kết thúc năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Nguồn: internet
Theo Bộ Công thương, trong năm 2014, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đều vượt mức kế hoạch đề ra. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất: 73,5%, trong đó điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Tiếp theo phải kể đến kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 24 tỷ USD, da giày đạt 9 tỷ USD, thủy sản đạt gần 8 tỷ USD… Các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là Đông Nam Á, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, những nỗ lực đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Những tín hiệu tích cực từ việc kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, EU, Liên minh Hải quan đã trở thành sức hút khá hấp dẫn đối với những người mua hàng chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam. Lực hút này tạo nên dòng dịch chuyển đơn hàng từ một số quốc gia lân cận sang Việt Nam làm cho xuất khẩu dệt may năm nay tăng trưởng cao hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ý thức được cơ hội và thách thức trước khả năng có các hiệp định thương mại tự do mới nên có sự chuẩn bị và duy trì được đà tăng trưởng…

Năm 2014 cũng ghi nhận sự bứt phá trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, với kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là cà phê, hạt điều, hồ tiêu, rau quả, thủy sản, lâm sản và đồ gỗ, gạo… Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, có 3 nguyên nhân chính giúp toàn ngành đạt kết quả này. Thứ nhất, sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó có sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp. Thứ  hai, Bộ NN và PTNT cùng với Bộ Công thương và các bộ, ngành khác đã tổ chức những chuyến công tác khơi thông thị trường, xúc tiến thương mại, đấu tranh với các rào cản thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ ba, Bộ chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào, xây dựng và hướng dẫn quy trình sản xuất bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường trên thế giới.

Điểm tích cực trong năm 2014, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có sự hồi phục, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này ước tăng hơn 10%, cao gần gấp 3 lần so với năm 2013. Tuy nhiên, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước vẫn là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với mức tăng gần 17%, đạt hơn 94 tỷ USD, nếu không kể dầu thô. Nhóm những mặt hàng do khối này sản xuất sử dụng nhiều lao động và gia công, chưa có nhiều những mặt có giá trị gia tăng cao. Do vậy, dù chiếm tới gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đóng góp khoảng 20% GDP.

Xét chung toàn ngành công thương, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên liệu, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm cho nền kinh tế gặp khó khăn mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Những tồn tại này đã được chỉ ra trong những năm qua nhưng việc khắc phục rất chậm.

Một nghị định về công nghiệp hỗ trợ đã được Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét phê duyệt, với kỳ vọng tạo cú hích mới về chính sách để giúp doanh nghiệp tăng đầu tư sản xuất nguyên liệu, linh kiện phụ tùng ở trong nước, cung ứng cho sản xuất hàng xuất khẩu. Từ đó hy vọng nâng cao được giá trị cho hàng hóa xuất khẩu cũng như đáp ứng những quy định về xuất xứ nguyên liệu của hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sắp ký kết với EU, hay với các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương để được hưởng các ưu đãi thuế. Đề án tái cơ cấu ngành công thương và ngành nông nghiệp đều đã được phê duyệt. Việc còn lại là triển khai thực hiện. Cho đến nay, cơ cấu kinh tế cả nước vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Nếu không sớm khắc phục những hạn chế để tận dụng nhanh các cơ hội xuất khẩu thì kinh tế sẽ khó có sự bứt phá về tăng trưởng.