2015 – cơ hội tự đổi mới, cải cách
(Tài chính) Các chuyên gia kinh tế cho rằng trong năm 2015 có cơ hội lớn để cải cách thể chế, không chỉ trong các chính sách mà từ ngay cơ cấu tổ chức và cách thức vận hành bộ máy nhà nước.
Thực tế cho thấy lo ngại nói trên của người dân và doanh nghiệp không phải không có cơ sở. Ngay về thuế - lĩnh vực đã có những cải cách quyết liệt và hiệu quả trong năm 2014 - báo chí cũng vừa nhắc đến một công văn mới đây của Tổng cục Thuế yêu cầu chứng từ thanh toán qua ngân hàng phải có thông tin về địa chỉ ngân hàng bên chuyển và ngân hàng bên nhận thì mới được xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT.
Theo các doanh nghiệp và luật sư, yêu cầu này – không tương thích với các quy định của các ngân hàng thương mại - là không cần thiết, vô lý và phi thực tế, khiến doanh nghiệp mất thêm rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện. Trong khi năm 2015, Việt Nam được cho là sẽ đối mặt với những thách thức mới khi Ngân hàng Thế giới bổ sung tiêu chí “hoàn thuế” trong việc đánh giá chỉ số nộp thuế để chấm điểm môi trường kinh doanh.
Giá cước vận tải là một ví dụ khác được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đề cập nhiều lần tại nhiều diễn đàn khác nhau. “Giá xăng lao dốc, ngành Giao thông vận tải và Tài chính kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp vận tải, yêu cầu giảm giá, nếu không sẽ phạt, có người còn dọa rút giấy phép. Liệu cách quản lý thị trường như vậy có phù hợp hay chỉ làm thị trường méo mó hơn?” – ông Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề.
Theo chuyên gia này, công cụ quản lý phù hợp trong trường hợp này không phải là kiểm soát, thanh tra giá, can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, mà là chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền. Cơ quan cần phải “ra tay” là Cục Quản lý cạnh tranh, chứ không phải Cục Quản lý giá.
Đó là những ví dụ khá điển hình cho thấy cùng với việc cải cách các cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, cần phải đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước.
“Nếu bỏ lỡ, phải chờ 5 năm nữa”
Đồng tình với TS Nguyễn Đình Cung về vấn đề quản lý giá cả, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thừa nhận rằng việc đặt Cục Quản lý cạnh tranh tại Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là chưa phù hợp.
Nhìn rộng hơn, ông Trương Đình Tuyển khẳng định môi trường kinh doanh phụ thuộc vào thể chế, thể chế là vấn đề mấu chốt, là gốc của môi trường kinh doanh, của cải cách kinh tế. Và nếu không đẩy mạnh cải cách thể chế, thì các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh dẫu có hiệu quả cũng sẽ phai nhạt dần...
Việt Nam đã gần 10 năm là thành viên của WTO, nhưng những đổi mới thể chế diễn ra đặc biệt mạnh mẽ trong năm 2014. “Ý nghĩa trước mắt của cải cách hành chính là giảm chi phí giao dịch của doanh nghiệp, nhưng ý nghĩa lâu dài là tạo ra một bộ máy công vụ, công chức phục vụ dân”, nguyên Bộ trưởng Thương mại nói.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng một thể chế quản lý xã hội phải dựa trên ba trụ cột: Một nền chính trị dân chủ, một nhà nước pháp quyền và một thể chế kinh tế thị trường. Ba mặt này hòa quyện với nhau, kìm giữ lẫn nhau, nếu chỉ làm một khâu thì không thể tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển đất nước. “Phải cải cách thể chế quản lý kinh tế xã hội và và đặt cải cách thể chế kinh tế trong tổng thể ấy thì hiệu quả mới cao được”.
Nhấn mạnh “nếu bỏ lỡ, chúng ta sẽ phải chờ ít nhất 5 năm nữa”, TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra cơ hội rất lớn để cải cách những vấn đề này trong năm 2015 từ việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.... rồi tiến tới sửa đổi Luật Cạnh tranh, Luật Ngân hàng Nhà nước…
Thông qua đó, có thể thành lập các cơ quan theo hướng độc lập, chuyên trách như cơ quan chuyên trách chủ sở hữu, cơ quan quản lý cạnh tranh, ngân hàng trung ương hay cơ quan giám sát truyền tải điện… Theo ông Nguyễn Đình Cung, đây là vấn đề hết sức quan trọng để thực thi, duy trì trật tự và kỷ luật thị trường – một yếu tố quyết định của môi trường kinh doanh.
Việc sửa đổi các luật này không chỉ nhằm thay đổi vai trò, chức năng của nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng, mà còn đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy và tư duy, cách thức, công cụ quản lý. Luật tốt chưa đủ, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước còn phải tôn trọng và không làm méo mó, sai lệch nội dung hay làm trái luật, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng trong năm 2015, trong khuôn khổ cải cách thể chế cần xem xét và sửa đổi, bổ sung những luật pháp liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, địa phương, sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh, bổ sung quyền hạn kiểm soát độc quyền, nâng cao vị thế của cơ quan quản lý cạnh tranh và kiểm soát độc quyền... Cải cách thể chế cũng cần quy định rõ hiệu lực pháp lý và trách nhiệm của cơ quan ban hành, trách nhiệm của người ký ban hành văn bản có thiếu sót, sai phạm; trách nhiệm thực thi pháp luật của công chức…
Tựu trung lại, theo các chuyên gia, nhà nước trở thành một nhà nước cải cách, có năng lực tự đổi mới, tự mình phát hiện sớm nhất những thiếu sót và hạn chế của mình – đó là vấn đề và cũng là cơ hội của hai năm 2015-2016.