2015 - cơ hội và thách thức
(Tài chính) Ủy viên Ủy ban Kinh tế, ĐBQH Trần Du Lịch cho rằng, cuối năm 2015 khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), hay ASEAN+1 (Trung Quốc); tiếp tục thực hiện các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, nước ta đang đứng trước cơ hội lớn phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ, thông qua tận dụng lợi thế về lao động. Song, đây cũng là thách thức rất lớn, nếu không có những chính sách hỗ trợ cụ thể. Do đó, cần nghiên cứu, xây dựng dự án luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này thời gian tới.
Ông Trần Du Lịch
Ông Trần Du Lịch: Khái niệm được sử dụng thống nhất là công nghiệp hỗ trợ, không phải là công nghiệp phụ trợ. Dùng khái niệm hỗ trợ để làm rõ công nghiệp hỗ trợ là gì? Hiện nay, nói đến công nghiệp hỗ trợ, nhiều nước sử dụng các khái niệm khác nhau nhưng bản chất vấn đề là giống nhau. Ví dụ như, Nhật Bản dùng khái niệm công nghiệp hỗ trợ nhưng Hàn Quốc gọi là công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ kiện và vật liệu.
Quá trình sản xuất công nghiệp thường gồm 3 công đoạn chính. Đầu tiên là khai khoáng, khai thác hầm mỏ; các loại hình công nghiệp nặng như sản xuất thép... Thứ hai là công đoạn sản xuất các loại linh kiện và phụ kiện, các loại vật liệu. Thứ ba là lắp ráp sản phẩm, hay còn gọi là công đoạn cuối cùng. Như vậy, loại công nghiệp nào không thuộc công đoạn một, không phải công đoạn ba, chính là công nghiệp hỗ trợ. Bởi vậy, phạm vi của công nghiệp hỗ trợ rất rộng.
Ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta hiện được chia thành 4 nhóm: nhóm về cơ khí như sản xuất khuôn đúc các loại, các chi tiết cơ khí; nhóm các linh kiện, vật liệu nhựa, cao su, plastic như: ron, phốt cho ô tô...; nhóm các linh kiện, phụ kiện điện tử, viễn thông; nhóm các loại hóa chất, chất phụ gia phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Bốn nhóm ngành không tạo ra sản phẩm cuối cùng đều được gọi là công nghiệp hỗ trợ. Thường trong một quy trình sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ là phần có giá trị gia tăng tương đối cao, còn khâu cuối cùng lắp ráp có giá trị thấp hơn. Còn giai đoạn đầu là công nghiệp khai khoáng hay công nghiệp nặng thì có vốn đầu tư ban đầu rất lớn và không phải ai cũng làm. Từ khi tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài đến nay, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thực sự được chú trọng. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất ô tô thực chất chỉ là nhập nguyên vật liệu về lắp ráp trong nước. Ngay như Tập đoàn Samsung hiện chủ yếu chỉ nhập linh kiện, vật liệu về lắp ráp; nước ta chỉ thực hiện công đoạn cuối nên giá trị thực sự không cao. Bởi vậy, nếu công nghiệp hỗ trợ được thực hiện trong nước mới làm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Đơn cử như ngành may, nếu như công nghiệp hỗ trợ trong nước có thể làm được cái cúc, sợi chỉ, sợi dệt vải, vải nguyên liệu thì sản phẩm áo sơmi mới được coi là nội địa hóa. Còn hiện giờ chỉ nhập về may thành phẩm thì giá trị rất thấp và chủ yếu chỉ bán thương hiệu. Hay như yêu cầu phải nội địa hóa sản xuất ô tô (cần khoảng 22.000 linh kiện, phụ tùng), nhưng các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành này hiện không phát triển thì yêu cầu đó khó có thể thực hiện. Chỉ một số lĩnh vực như sản xuất xe máy hiện còn có khả năng nội địa hóa bởi một số ngành cơ khí trong nước có khả năng làm được do quy mô thị trường xe máy lớn, và phải sản xuất lớn mới làm được. Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế do nguyên nhân khách quan: quy mô thị trường nội địa quá nhỏ hẹp, nhu cầu không đủ để phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Còn nguyên nhân chủ quan là thiếu chính sách cụ thể phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Và không có công nghiệp hỗ trợ thì không thể chuyển nền công nghiệp hiện chủ yếu thực hiện gia công sang tự sản xuất linh kiện, phụ kiện, vật liệu; từ đó tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Có phải chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tuy đã có song dường như vẫn chưa chạm đến các doanh nghiệp và chưa thực sự mang lại hiệu quả, thưa Ông?
Không chỉ riêng quy hoạch về công nghiệp hỗ trợ mà rất nhiều loại hình quy hoạch khác của nước ta mới chỉ nói ý muốn làm cái gì? Còn vấn đề quan trọng nhất là làm bằng cách nào; chính sách hỗ trợ, nguồn lực thực hiện ra sao thì chưa rõ. Quay lại với công nghiệp hỗ trợ, sau khi Bộ Công nghiệp phê duyệt quy hoạch vào năm 2007, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 12 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính sách có nhưng thiếu hiệu quả. Theo tôi, cản trở chính đối với việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ là từ luật, những văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, chứ không thể đơn thuần là những quyết định, quy hoạch, văn bản dưới luật, bởi không đủ tạo ra sức bật trong thực tiễn thi hành. Tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII, tôi đã đề xuất việc cần thiết nghiên cứu, xây dựng một dự án luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông thường công nghiệp hỗ trợ không do doanh nghiệp lớn làm mà do doanh nghiệp vừa và nhỏ làm. Tuy nhiên, đến nay đáng tiếc vẫn chưa có ý kiến đề nghị xây dựng luật này từ phía Chính phủ, nên cũng chưa có trong chương trình làm luật của QH. Nếu chủ động hơn, có lẽ đến nay đã có một đạo luật, các quy định đủ lực được pháp điển hóa để thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ. Các quy định về chính sách ưu đãi thuế, chính sách đất đai, chính sách thị trường; ưu đãi, khuyến khích đều cần được luật hóa, bởi các văn bản dưới luật là không đủ. Nhìn chung, chúng ta chưa có chính sách đủ sức tác động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong nền kinh tế thị trường, nếu muốn doanh nghiệp làm gì thì phải có chính sách hướng thị trường vào lĩnh vực đó. Và với chính sách này, doanh nghiệp sẽ tham gia nếu thấy có lợi chứ không phải làm theo ý Nhà nước muốn, đó mới là quy luật thị trường. Nói cách khác, chính sách tác động thị trường và thị trường sẽ tác động vào doanh nghiệp. Nói ý muốn, kêu gọi là chuyện của quy hoạch còn quyết định làm có lợi không là chuyện doanh nghiệp phải cân nhắc. Ví dụ: nếu ốc vít nhập rẻ hơn ốc vít sản xuất trong nước thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ chọn mua ốc vít nhập. Có thể thấy, vấn đề là làm sao có chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chọn linh kiện, nguyên vật liệu sản xuất trong nước giá thành thấp hơn thay vì nhập khẩu mà vẫn có lợi. Theo đó, các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện đồng bộ, kể cả chính sách thuế để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Hiện nay cả nước có gần 1.500 doanh nghiệp nội địa sản xuất linh kiện, phụ tùng liên quan đến công nghiệp hỗ trợ. Con số không nhỏ, nhưng cũng không thể đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nguyên nhân có phải là từ chính các doanh nghiệp? Doanh nghiệp cần chủ động không thể trông chờ, thưa Ông?
Cả nước có khoảng hơn 400 nghìn doanh nghiệp, thì 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là chưa tính đến hàng triệu hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nhưng thực chất đã làm công nghiệp hỗ trợ. Công nghiệp hỗ trợ xuất hiện và tồn tại từ lâu xuất phát từ nhu cầu thị trường. Vấn đề đặt ra là cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy các hộ, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện có phát triển và hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Ví dụ như những hộ làm nghề tiện truyền thống, nếu được hỗ trợ, tạo điều kiện hiện đại hóa kỹ thuật, công nghệ thì có thể tăng năng suất, sản lượng sản phẩm với chất lượng cao hơn. Bởi đa số các hộ tiểu thủ công nghiệp tuy có kinh nghiệm nhưng kỹ thuật, công nghệ và trình độ chưa đủ đáp ứng yêu cầu của các xí nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện, phụ kiện điện thoại di động của Samsung thì rõ ràng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước chưa thể sản xuất được.
Đúng là chính bản thân doanh nghiệp trước tiên bao giờ cũng phải tự chủ động. Như sản phụ sinh là phải tự sinh. Song, vấn đề làm sao Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ như bà đỡ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Theo Ông, Nhà nước nên hỗ trợ như thế nào?
Nhà nước cần tập trung thực hiện bốn nhóm hỗ trợ. Thứ nhất, hỗ trợ rất quan trọng là hỗ trợ công nghệ, giải quyết bài toán công nghệ. Ví dụ: ở Hàn Quốc, các viện nghiên cứu, các trường Đại học nhận vốn từ Nhà nước thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ này. Thứ hai, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ. Lao động đào tạo tại các cơ sở dạy nghề của nước ta hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI. Thứ ba, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các doanh nghiệp lớn như tiếp cận nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp; các sản phẩm làm ra mang đi chào hàng có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp lớn. Nghĩa là, giới thiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cách tiếp thị, tiếp cận thị trường. Thứ tư, hỗ trợ về tín dụng, thành lập các quỹ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để có vốn sản xuất. Về chính sách ưu đãi, thường áp dụng các ưu đãi về thuế. Chẳng hạn nếu sản phẩm làm ra có tỷ lệ nội địa hóa cao, được ưu đãi trả thuế thấp hơn (thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp...) sẽ có thể hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, QH đã sửa và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, theo đó sẽ áp dụng một số ưu đãi cho các doanh nghiệp. Nhưng quan trọng là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hỗ trợ phát triển. Bởi vì ví dụ như áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp kinh doanh không có lãi thì không có gì để đóng thuế, vậy cần gì ưu đãi thuế? Không phát sinh thu nhập thì làm sao đóng thuế. Do đó, hỗ trợ mới quan trọng, hướng theo thị trường và Nhà nước như bà đỡ hỗ trợ khi doanh nghiệp đủ sức, đủ lực thì mới có thể cạnh tranh bình đẳng.
Và theo Quy hoạch tổng thể Bộ Công thương mới ban hành, mục tiêu đến năm 2020 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và xuất khẩu. Trong khi tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất nước ta trung bình chỉ mới ở mức 22,4%. Như vậy, để tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển, theo Ông phải cần những điều kiện gì?
Trước hết, cần một quá trình để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển chứ không thể giải quyết trong 1-2 năm và thậm chí là với một kế hoạch 5 năm. Bắt đầu từ việc nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, gắn công nghiệp hỗ trợ với nội địa hóa sản phẩm. Đây hiện là vấn đề sống còn đối với nước ta để có thể hưởng các ưu đãi khi chính thức tham gia các hiệp định, các thỏa thuận về kinh tế trong khu vực, song phương, đa phương. Việc nội địa hóa sản phẩm có thể do doanh nghiệp nội địa thực hiện cũng có thể do các doanh nghiệp FDI thực hiện trong nước; nhưng, sản phẩm phải được tạo ra từ các phần linh kiện, phụ kiện, vật liệu sản xuất tại thị trường Việt Nam để được công nhận là sản phẩm nội địa hóa. Chẳng hạn khi Việt Nam chính thức tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% mới được nhận ưu đãi thuế. Ví dụ nếu doanh nghiệp dệt may Việt may sản phẩm với nguyên liệu nhập từ Trung Quốc thì sản phẩm đó không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ để nhận ưu đãi thuế từ TPP. Theo tôi, cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng một dự luật, khoảng 10 - 15 điều nhằm sớm giải quyết bài toán công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy quá trình phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhiều địa phương hiện đang có nhu cầu xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ nhưng vẫn vướng về chính sách. Tôi khẳng định, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, vai trò của địa phương quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là chính sách vĩ mô hỗ trợ từ Trung ương.
Theo Ông, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới khi Việt Nam chính thức tham gia vào Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN trong năm 2015? Chúng ta cần chuẩn bị như thế nào trước sức ép cạnh tranh từ AEC, thưa Ông?
Nền công nghiệp nước ta đang đứng trước thách thức rất lớn khi cuối năm 2015 Việt Nam chính thức gia nhập vào Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), hay ASEAN+1 (Trung Quốc). Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu và một số quốc gia. Và nếu từ năm 2016 đàm phán thành công TPP thì sẽ mở ra cơ hội lớn phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ. Còn nếu chúng ta tiếp tục ì ạch về chính sách cụ thể phát triển công nghiệp hỗ trợ thì sẽ chưa thể chuyển biến tích cực. Hiện một số nhà đầu tư nước ngoài đã đón đầu việc Việt Nam sẽ tham gia vào TPP, bắt đầu đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ để hưởng lợi từ TPP. Điều đó cũng nên khuyến khích, song quan trọng là cần tập trung phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong nước làm công nghiệp hỗ trợ. Và tôi lo rằng, nếu không có chính sách tốt thì doanh nghiệp trong nước có thể sẽ đứng ngoài cuộc trong cơ hội này; đây là một thách thức rất lớn. Ví dụ, Tập đoàn Samsung Hàn Quốc đầu tư vào Thái Nguyên, có hơn 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh phụ kiện cho họ và chủ yếu là các doanh nghiệp Hàn Quốc, còn doanh nghiệp nội địa dường như vẫn đứng ngoài cuộc. Đây là điều rất đáng tiếc. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm từ một số nước như Thái Lan phát triển công nghiệp sản xuất ô tô, đến nay lượng xe ô tô tải nhẹ do Thái Lan sản xuất đã chiếm khoảng 50% thị phần thế giới, với tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên đến 90%. Do vậy, chúng ta cần thận trọng nếu không làm tốt, một số ngành sẽ chết, sẽ không phát triển được, tụt hậu như ngành ô tô, ngành điện tử...
Về phía doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp cần phải nắm cơ hội và phải chủ động, nỗ lực hơn nữa. Các doanh nghiệp nội địa phải chứng minh được năng lực. Trước mắt, cần có chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đã và đang làm công nghiệp hỗ trợ (như các hộ tiểu thủ công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh), đã có kinh nghiệm lâu năm về sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng kỹ thuật còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường quốc tế. Bởi các doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng theo hướng sẽ hợp tác với ai có lợi hơn.
Xin cám ơn Ông!