3 kịch bản “nóng” ở đại hội cổ đông ngân hàng
(Tài chính) Vấn đề mua bán - sáp nhập (M&A), xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, cổ tức bèo bọt… được dự báo sẽ là những điểm “nóng” tại mùa Đại đại cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm 2015. Nhất là nhóm “6-8 ngân hàng” rơi vào diện yếu kém, có nguy cơ bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng.
Theo tổng hợp của phóng viên, hiện đã có 10 ngân hàng công bố lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2015, chốt danh sách cổ đông và dự kiến thời gian diễn ra trong tháng 3 và 4. Riêng trong tháng 3 này, 3 ngân hàng đầu tiên mở màn ĐHCĐ là NamABank (ngày 27/3), LienvietpostBank (ngày 28/3), ngân hàng Quốc Tế - VIB (dự kiến cuối tháng 3).
Sẽ định đoạt số phận
Một số ngân hàng lớn khác hiện đã có thông báo chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ vào tháng 4, như: VietinBank (ngày 14/4), BIDV (ngày 17/4), Sacombank (ngày 21/4), Eximbank (ngày 22/4), Vietcombank (ngày 24/4).
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng sớm chuẩn bị các thủ tục triệu tập ĐHCĐ năm nay từ trước Tết, nhưng hiện vẫn chưa chốt lịch cụ thể. Ngân hàng Quốc Dân (tên cũ là Navibank) cũng vừa thông báo chốt danh sách cổ đông, dự kiến tổ chức ĐHCĐ trong tháng 4/2015.
Hiện, vẫn còn hơn 20 ngân hàng nữa chưa có lịch ĐHCĐ, như: DongABank, PGBank, SHB, TPBank, Maritime Bank, Mekongbank, BaovietBank, GPbank, OceanBank, SouthernBank… Trong số này, một vài nhà băng vừa có biến cố lớn về lãnh đạo, hay làm ăn kém hiệu quả, nợ xấu lớn, âm vốn đã vào diện “bị kiểm soát đặc biệt bởi NHNN.
Một vấn đề “nóng” tại ĐHCĐ năm nay là chuyện các ngân hàng có bị sáp nhập không, sáp nhập vào ngân hàng nào?
Đến thời điểm này, đã lộ diện thêm các “cặp đôi” có khả năng sáp nhập, như Vietcombank-Saigonbank, Eximbank-NamABank, DongABank-ABBank, Vietinbank-PGbank... Nhưng, cũng mới chỉ dừng ở mức độ “đang tìm hiểu nhau” và chưa được NHNN chấp thuận về chủ trương. Có 2 kịch bản được đặt ra trong kế hoạch M&A của ngân hàng trong năm 2015.
Kịch bản thứ 1: nếu các “cặp đôi” ngân hàng này sáp nhập, HĐQT ngân hàng sẽ phải trình xin ý kiến cổ đông tại kỳ họp này chấp thuận chủ trương sáp nhập. Còn nhớ, tại kỳ ĐHCĐ năm 2014, một số ngân hàng chỉ xin chấp thuận chủ trương “sáp nhập với một ngân hàng khác” và ủy quyền cho HĐQT tiến hành tìm kiếm, lựa chọn, thực hiện các thủ tục pháp lý… Danh tính đối tác sáp nhập đã không được tiết lộ, dù nhiều cổ đông thắc mắc, đề nghị công bố thông tin cụ thể để xem xét, cân nhắc.
Kịch bản thứ 2, khi triệu tập ĐHCĐ, HĐQT ngân hàng công bố về nội dung xin chủ trương sáp nhập, nhưng đến phút cuối, lại cắt bỏ nội dung này trong chương trình. Các cổ đông được một phen “thấp thỏm” !
Cũng có ngân hàng chọn cách tổ chức ĐHCĐ bất thường theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản về việc sáp nhập, như trường hợp Ngân hàng SHB – xin sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex – Viettel. Với hình thức này, các cổ đông gần như không có cơ hội chất vấn ban lãnh đạo về kế hoạch sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, xử lý nhân sự, nợ xấu… Đặc biệt, khi tiến hành sáp nhập sẽ phải hủy niêm yết cổ phiếu và thời điểm niêm yết trở lại ra sao, liên quan đến lợi ích cổ đông thiểu số… là những vấn đề quan trọng không thể “cắt nghĩa” chỉ trên văn bản.
Và nguy cơ “mua 0 đồng”
Sự kiện Ngân hàng Xây dựng – VNCB bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, chuyển sang mô hình ngân hàng 100% vốn nhà nước cũng là kịch bản thứ 3 có thể được định đoạt trong hoặc sau ĐHCĐ năm nay.
Trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ tiếp tục xử lý ngân hàng yếu kém theo hướng như đã làm với VNCB, mà có thể “6-8 ngân hàng” đã vào tầm ngắm của NHNN.
Một cổ đông của ngân hàng nhỏ, đang trong diện “bị kiểm soát đặc biệt” cho hay, họ vẫn đang nghe ngóng tình hình, chưa rõ số phận của ngân hàng và người lao động như thế nào nếu bị mua lại 0 đồng. Bị cắt giảm lương, điều chuyển vị trí công tác, sa thải người lao động sẽ gây ra những xáo trộn lớn trong ngân hàng.
Với thông điệp rõ ràng của Thống đốc, kỳ ĐHCĐ năm nay được dự đoán sẽ có thêm một vài ngân hàng xin cổ đông chấp thuận chủ trương sáp nhập. Thực tế, các chủ ngân hàng khó chấp nhận việc bị sáp nhập nếu không có “sự cố” trầm trọng xảy ra. Việc xử lý “6-8 ngân hàng” theo cách NHNN mua lại cũng là một biện pháp mạnh tay để nhanh chóng đạt mục tiêu giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20 tổ chức.
Ngoài hoạt động M&A, các cổ đông cũng chất vấn nhiều nhất là kết quả kinh doanh, lợi nhuận, tỷ lệ cổ tức, sử dụng vốn đầu tư, xử lý nợ xấu cao… Nhìn chung, sau hơn 3 năm tái cơ cấu, nhiều ngân hàng đã có thay đổi tích cực, cải thiện ở một số chỉ tiêu tài chính. Đơn cử, ĐHCĐ năm 2014 của Ngân hàng ACB đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng khá cao, từ 13-14% với tổng tài sản, tiền gửi, tín dụng… Nhưng kết quả đạt được thấp hơn mục tiêu. Riêng lợi nhuận trước thuế tăng mạnh tới 14,7%, đạt 1.215 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm về 2,2% dư nợ. Do đó, tỷ lệ cổ tức dự kiến 7-8% là khả thi.
Song vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để như nợ xấu và nợ mất vốn tăng mạnh, mua bán nợ chéo, vi phạm cho vay và đầu tư trái phiếu. Sở hữu vượt giới hạn của chủ nhà băng gần đây mới được cải thiện nhờ hoạt động tăng vốn điều lệ, hoặc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu.