4 điều cần quan tâm khi mua nhà để ở và đầu tư

Theo doanhnhansaigon.vn

Quyết định mua nhà thường không dễ dàng với đa số chúng ta, đặc biệt khi yêu cẩu của đa số người Việt là bất động sản ấy phải đầy đủ tiện nghi đồng thời có thể tăng giá trị trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Robert Gladstone, hiện là Giám đốc điều hành của Madison Equities - công ty bất động sản nổi tiếng với trụ sở ở thành phố New York (Mỹ), mới đây đã có những chia sẻ trên trang Business Insider, về 4 điều mà cần đặc biệt quan tâm khi mua căn nhà để thỏa mãn cả 2 tiêu chí trên:

Không trả giá quá cao

Tâm lý thông thường của người mua nhà vừa để ở vừa để đầu tư là sẵn sàng trả giá cao cho chúng.

Quy tắc đầu tiên trong đầu tư là nếu bạn chi ra càng nhiều, bạn sẽ thu về càng ít. Vì vậy, nếu bạn phải trả cho một căn nhà với giá cao hơn 30 – 40% giá trị trung bình của những căn nhà xung quanh bạn, thì mai này, khi rao bán, bạn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh về giá so với những người hàng xóm.

Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc thời gian khấu hao cho ngôi nhà, để quyết định chi tiêu như thế nào cho cuộc sống sắp tới của gia đình.

Ai cũng thích có một ngôi nhà khiến mọi người phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên, nếu là một ngôi nhà vừa để ở vừa để đầu tư thì những chi phí cộng thêm cho thiết kế, xây dựng, nội thất và các thứ khác sẽ khiến bạn gặp rủi ro lớn hơn trong kế hoạch đầu tư. Đừng nghĩ tới việc người chủ sau này sẽ thích bất cứ thứ gì trong ngôi nhà của bạn hiện tại. Bởi dù bạn có xây một lâu đài và trang hoàng bằng hàng trăm bức tranh treo tường đẹp đẽ, thì chỉ vài năm sau, chúng sẽ trở nên lạc hậu và chỉ còn giá trị như một món đồ cổ. Vì thế, hãy tính toán chi tiết, cẩn trọng vấn đề khấu hao khi xây dựng và chi tiêu cho ngôi nhà”.

Giá trị của hàng xóm

Có một thực tế là chỉ trừ khi sống trên hoang đảo, chúng ta mới được sống một mình. Còn dù căn nhà nằm ở khu sang trọng hay bình dân, thì bạn luôn phải sống với những người hàng xóm.

Nếu trong khu bạn sống có nhiều ngôi nhà với những người hàng xóm trông nghèo khổ, với những mảng tường bong tróc và những mái nhà hư hại, thì bất động sản cả khu vực sẽ bị giảm giá từ 5% đến 10% (theo Joe Magdziarz - thành viên của Viện thẩm định bất động sản Mỹ). Còn nếu hàng xóm của bạn là những người ồn ào, thích tiệc tùng, có những hành vi xấu gây ảnh hưởng tới căn nhà của bạn, thì giá trị của nó cũng bị ảnh hưởng, thường dao động ở mức 5% (theo Richard L. Borges - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Appraisal Institute).

Ngoài ra, nếu trong khu vực bạn sống có những tệ nạn xã hội, như ma túy, tội phạm tình dục… thì giá trị bất động sản cả khu vực có thể giảm xuống tới 12% (theo ghi nhận của American Economic Review).

Quy tắc 1%

Nếu bạn dự định kinh doanh trên chính ngôi nhà của mình, song song với việc sống ở đó, như xây khách sạn, phòng trọ, cho thuê một phần… thì một trong những quy tắc bạn phải đặc biệt chú ý, chính là quy tắc 1% tổng chi phí bỏ ra. Theo đó, nếu bạn mua một căn nhà với giá 10 tỷ đồng và chia nó theo tỷ lệ 80/20, tức là 8 tỷ đồng để kinh doanh, và 2 tỷ đồng để ở, thì thu nhập hằng tháng từ căn nhà đó đổ vào túi bạn nên chiếm ít nhất 10% chi phí. Tức là thu nhập 80 triệu đồng/tháng.

“Hãy tính nhẩm đơn giản. Nếu thu về 1%/tháng, thì khoảng một năm, bạn sẽ có lại ít nhất 1/10 giá trị bỏ ra, và tối đa là 10 năm bạn sẽ được hoàn vốn. Tất nhiên, có nhiều quy tắc khác nữa, nhưng nếu chọn kinh doanh trên mảnh đất của mình, bạn nên cân nhắc quy tắc này. Nó sẽ giúp bạn xác định chính xác những gì mình cần làm trong thời gian tới, cũng như cân nhắc có nên dốc hết tiền và thời gian vào những kế hoạch dài hơi cùng ngôi nhà đó hay không.

Tại sao lại là 10 năm để hoàn vốn và tại sao lại là 1%? Có 2 lý do. Đầu tiên, 1%/tháng, trong lĩnh vực cần vốn lớn và nhiều biến động như bất động sản, là một con số an toàn để bạn thu về một kết quả đầu tư chấp nhận được so với lãi suất đầu tư từ các lĩnh vực khác, như vàng, chứng khoán… Và thứ hai, 10 năm thường là một khoảng thời gian đủ cho sự biến đổi. Kể cả với bất động sản và với chính những người sống trong đó. Khoảng thời gian đủ để bạn ngồi lại và làm mới kế hoạch cuộc đời.

Luôn giữ sự linh hoạt trong kế hoạch

Robert Gladstone nhận ra rằng, căn nhà với 2 mục đích song song thường không phải là căn nhà cuối cùng mà đa số chúng ta mua trong cuộc đời của mình; do đó, chúng ta phải giữ sự linh hoạt cho căn nhà, cũng như cho kế hoạch đầu tư, để sẵn sàng với những biến chuyển sắp tới.

Cuộc sống luôn thay đổi rất nhanh. Có thể khi mua căn nhà vừa để ở vừa để đầu tư, bạn đang trong tình trạng độc thân. Nhưng khi bạn quyết định bán ngôi nhà này, thì bạn đã có gia đình hoặc con cái bạn đã chuẩn bị xây dựng gia đình riêng. Vì thế, hãy luôn đảm bảo mọi thứ thật đơn giản và linh hoạt để phù hợp cho tất cả những thứ sẽ thay đổi trong tương lai. Tất nhiên, bạn cũng không thể xem căn nhà này là một nơi sống tạm. Chúng ta không thể phí hoài cuộc đời ngắn ngủi vào bất cứ thứ gì tạm bợ cả. Nhưng vì vừa để sống, vừa để đầu tư, thì hãy chỉ đảm bảo mọi thứ trong căn nhà thoải mái nhất có thể là được. Hãy ưu tiên cho sự linh hoạt.