4 năm xảy ra 126 vụ cháy lớn trên cả nước
Từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 126 vụ cháy lớn, chiếm tỷ lệ 0,95%, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 35 người, bị thương 92 người, thiệt hại về tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng. Trung bình 01 năm xảy ra khoảng 30 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Mới đây, đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Chính phủ và một số bộ, ngành Trung ương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018.
Thông tin từ cuộc làm việc này cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 126 vụ cháy lớn, chiếm tỷ lệ 0,95%, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 35 người, bị thương 92 người, thiệt hại về tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trung bình 01 năm xảy ra khoảng 30 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Cháy lớn tuy chỉ chiếm dưới 1% tổng số vụ nhưng thiệt hại chiếm trên 70% tổng số thiệt hại. Thiệt hại trung bình của 01 vụ cháy lớn khoảng 40 tỷ đồng.
Các loại hình cơ sở xảy ra cháy lớn chủ yếu là cơ sở sản xuất công nghiệp có diện tích nhà xưởng, kho tàng với quy mô lớn, tồn trữ nhiều loại hàng dễ cháy.
Các vụ cháy lớn gây thiệt hại về người, tài sản
Lấy ví dụ như vụ cháy ngày 18/10/2014 tại Công ty Việt Hà và Công ty Nippon Express, lô 38B KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Do chập điện trên đường dây dẫn điện của điều hòa nhiệt độ tại kho hàng Chi nhánh Công ty liên doanh TNHH Nippon Express làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh. Vụ cháy không có thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại tải sản ước tính hơn 215 tỷ đồng (theo báo cáo thống kê của các công ty).
Tiếp đó, ngày 20/8/2015 tại Công ty Cổ phần Ngân Sơn thuộc tổng công ty thuốc lá Việt nam, KCN Tiên Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh xảy ra vụ cháy thiệt hại tài sản khoảng 317 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy được xác định bởi chất diệt côn trùng nhôm phốt phua (AlP) gặp độ ẩm cao hoặc bị ngấm nước gây phản ứng hóa học tự phát cháy, bén cháy vào các kiện hàng mảnh lá thuốc lá dẫn đến cháy (theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Bắc Ninh).
Vụ cháy ngày 01/11/2016 tại quán karaoke 68, đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội là vụ cháy gây thiệt hại về người lớn nhất trong gian đoạn 2014-2018 khi có 13 người bị chết, 02 người bị thương cùng với khối tài sản ước tính gần 140 triệu đồng. Nguyên nhân cháy được cơ quan chức năng kết luận do quá trình hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện tại khu vực cửa ra vào phòng hát tại tầng 2 làm bắn các vẩy hàn mang nhiệt độ cao vào vật liệu cách âm gắn trên tường gây cháy, sau đó cháy lan ra xung quanh gây ra vụ cháy.
Trong năm 2017, vụ cháy tại sơ sở sản xuất kết hợp nhà ở tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội ngày 29/07/2017, cũng do quá trình hàn cắt kim loại bằng hồ quang điện phía trên sàn gác xép, tạo ra các vẩy hàn có nhiệt độ cao rơi xuống mái phòng sản xuất qua khe sàn gác xép và vách tôn sóng, vào các sản phẩm dễ cháy gây cháy, sau đó cháy lan ra xung quanh. Vụ cháy đã gây ra cái chết cho 08 người và 02 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính 359,6 triệu đồng.
Hay vụ cháy ngày 23/3/2018 tại Chung cư Carina Plaza, số 1648 đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP. Hồ Chí Minh làm chết 13 người, 50 người bị thương. Với thiệt hại tài sản, thiêu hủy 500m2 tầng hầm của khối nhà khu A, 15 xe ô tô và 150 xe gắn máy các loại. Nguyên nhân vụ cháy do trên hệ thống dây dẫn điện của xe máy đặt tại khu vực khoang để xe máy số 6 đã xảy ra sự cố chạm chập điện (ngắn mạch).
Sự cố ngắn mạch phát sinh hồ quang điện mang năng lượng cao đốt cháy vỏ cách điện, làm nóng chảy dây dẫn điện tạo hạt đồng nóng chảy mang nhiệt độ cao. Sản phẩm vỏ cách điện cháy và hạt đồng nóng chảy văng ra, rơi xuống gây cháy các vật liệu dễ cháy (nhựa, cao su,....) ở xung quanh gây cháy xe máy và từ đây đám cháy phát triển đi các hướng gây cháy lớn.
Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy
Trên cơ sở điều tra nguyên nhân các vụ cháy lớn cho thấy nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy chủ yếu là: Do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng lửa, khí đốt; do vi phạm an toàn PCCC trong thi công, hàn, cắt kim loại.
Nguyên nhân dẫn đến cháy lớn chủ yếu do việc phát hiện và báo cháy muộn (chiếm hơn 80%). Cháy lớn chủ yếu xảy ra vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, lực lượng thường trực mỏng nên khi xảy ra cháy không phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời, khi cháy lan rộng mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Thêm vào đó, nhiều cơ sở còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC nhưng chưa được chủ cơ sở quan tâm, khắc phục như: Việc bố trí các xưởng sản xuất, nhà kho, văn phòng làm việc, sắp xếp hàng hóa, vật tư vượt quá tải trọng so với thiết kế ban đầu, không bảo đảm khoảng cách chống cháy, ngăn cháy là điều kiện khiến đám cháy lan rộng từ khu vực này sang khu vực khác; không tổ chức duy tu, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến hư hỏng, không phát huy được hiệu quả báo cháy, chữa cháy ngay từ ban đầu; công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, Cảnh sát PCCC tại một số nơi bị buông lỏng.
Chính quyền địa phương chưa tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, chưa tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại cơ sở, công tác tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC không được triển khai tốt. Phương tiện chữa cháy trang bị chưa đủ số lượng và một số bình chữa cháy đã hết khí, chưa lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy, hệ thống chống sét theo quy định. Nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy không được chuẩn bị tốt. Hay chưa lập sổ theo dõi công tác PCCC và tuyên truyền, sổ theo dõi thực tập phương án chữa cháy, sổ theo dõi phương tiện, phương án chữa cháy.
Đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra cháy lớn đã bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Những vấn đề cần để nâng cao về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới
Tại văn bản báo cáo bổ sung của chính phủ gửi đoàn giám sát Quốc hội, Chính phủ cũng đã đề nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới.
Rà soát, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản quy định về tăng cường các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với loại hình, cơ sở mới, cơ sở có nhiều nguy hiểm cháy, nổ cao thường xuyên để xảy ra cháy lớn trong thời gian qua. Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với công tác cứu nạn, cứu hộ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; đổi mới một cách căn bản cách thức, nội dung và phương pháp tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền.
Rà soát, củng cố, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các đội PCCC dân phòng và cơ sở theo quy định của Luật PCCC, nhất là ở những cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ xảy ra cháy.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ; có các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa các yếu tố dẫn đến cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng này. Thường xuyên tổ chức diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ...