Quy chuẩn nào giúp hạn chế tối đa hậu quả khi chung cư bị cháy?

Theo Tân Lương/cstc.cand.com.vn

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chung cư. Trong đó có những quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho chung cư.

Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hiện chỉ vươn được đến tầng 18 trong khi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có những tòa nhà trên 50 tầng.
Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hiện chỉ vươn được đến tầng 18 trong khi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có những tòa nhà trên 50 tầng.

Từ thực tế những vụ cháy nhà chung cư xảy ra những năm gần đây, người dân hy vọng các quy định sẽ sát thực tế hơn.

Nghe chuông báo cháy, chạy đến… tắc thở mới xuống đến mặt đất

Bây giờ, dù đã dọn về ở trong căn hộ tầng 12 chung cư Eco GreenCity trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) được gần 2 năm, nhưng vợ chồng anh Ngọc vẫn không quên ngày đầu tiên về nhà mới khi phải chạy bộ suốt… 12 tầng nhà. 

Nhận nhà cuối năm 2017, sau khi chọn đúng “ngày lành tháng tốt”, vợ chồng anh mời thầy về cúng nhập trạch. Hôm ấy, giữa buổi trưa, khi cả nhà đang xì xụp khấn vái thì bỗng nghe thấy tiếng chuông reo inh ỏi. Vì chưa ở chung cư bao giờ nên lúc đầu mọi người cứ nghĩ là ban quản lý tòa nhà… thử chuông. 

Nhưng khoảng 5 phút sau vẫn thấy chuông réo, khi ra hành lang thì thấy mấy người ở phòng bên cạnh hốt hoảng kêu ở một căn hộ tầng trên có cháy, mọi người đang chạy xuống tầng 1. Vậy là bỏ cả mâm lễ vừa cúng xong, vợ chồng con cái cùng bà thầy cúng cuống cuồng khóa cửa rồi… chạy.

“Dự án này có 4 tòa đều cao 30 tầng, nhưng tôi chỉ mua tầng 12 vì đã tính chỉ mua tầng thấp để nếu có sự cố thì còn chạy được. Vậy mà chạy được xuống đến sân cũng muốn tắc thở vì vừa chạy vừa sợ. Những người mua nhà ở tầng 29 - 30 thì chạy xuống đến sân muốn ngất luôn. Đã thế, nhà vừa xong nên cầu thang bộ họ vệ sinh chưa sạch nên xuống đến sân, cả nhà ai nấy mặt mũi, quần áo cũng dính đầy đất cát. Đúng là được phen nhớ đời”, anh Ngọc kể.

Vụ cháy chung cư Carina Plaza khiến 13 người tử vong.
Vụ cháy chung cư Carina Plaza khiến 13 người tử vong.
 

Nhưng anh gia đình anh Ngọc chỉ là một trong rất nhiều người từng phải “chạy đứt hơi” vì chung cư cháy. Mới đây nhất, vào lúc 1 giờ sáng ngày 23-7-2019, hàng trăm người dân sống tại chung cư The Pride trên đường Tố Hữu, Hà Đông (Hà Nội) cũng được phen hốt hoảng khi xảy ra vụ cháy căn hộ trên tầng 30. 

Những người dân sống tại tòa nhà cho biết, vào khoảng thời gian trên có còi báo cháy và mùi khét nồng nặc tại nhiều hành lang, ngay sau đó mọi người hô hoán và gọi người thân chạy xuống dưới sảnh. Khi xảy ra cháy, chủ nhà vẫn ngủ trong nhà không hề biết xảy ra cháy, đến khi nghe thấy chuông báo cháy mới tỉnh giấc và chạy ra ngoài. 

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC đã điều 5 xe đến để tiến hành công tác dập lửa. Do hỏa hoạn tại tầng trên cao nên lực lượng PCCC phải tiếp cận đám cháy bằng cầu thang bộ.

Năm năm gần đây, tại Hà Nội và TP HCMđã xảy ra nhiều vụ cháy chung cư cao tầng, trong đó có những vụ để lại hậu quả rất thảm khốc như vụ cháy chung cư Carina Plaza xảy ra ngày 23-3-2018 khiến 13 người tử vong, khiến cho hàng triệu người đang sinh sống tại các chung cư luôn ám ảnh nỗi lo cháy nhà. 

Tuy nhiên, theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước có 4.166 nhà chung cư cao tầng, siêu cao tầng, trong đó có 110 công trình đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chưa đủ điều kiện để nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. 

Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội đã tổ chức kiểm tra 1.545 cơ sở, trong đó 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.

Những chiếc xe bị cháy trơ khung trong tầng hầm chung cư Carina.
Những chiếc xe bị cháy trơ khung trong tầng hầm chung cư Carina.
 

Quy chuẩn mới về chung cư cần quy định sát thực tế

Hiệp hội Bất động sản TP HCMtừng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi nhận thức và hành động, cùng với đó là yêu cầu phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn thiết kế nhà cao tầng, với mục tiêu xây dựng chung cư, nhà cao tầng hiện đại phải bảo đảm an toàn, trước hết là an toàn phòng cháy chữa cháy. 

Bởi thực tế hiện nay, nhiều chung cư đều có tầng cao từ 30 - đến 50 tầng, thậm chí trên 50 tầng. Trong khi đó, tầm với các thiết bị PCCC ở Việt Nam hiện nay cao nhất là 56m (tương đương khoảng 18 tầng). 

Đầu tư xe có tầm với vượt khoảng cách này là không khả thi vì xe rất nặng, có thể gây sập cống, đứt dây điện, đường cua xe dài không thuận tiện với địa hình đường đông, ngõ nhỏ tại các đô thị của Việt Nam buộc phải sử dụng máy bay trực thăng mà do ngân sách hạn hẹp hiện nay Việt Nam chưa có. Vì thế, những quy chuẩn hiện hành về PCCC tại các chung cư đã trở nên lạc hậu so với thực tế.

Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến Dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chung cư. Trong đó, Bộ Xây dựng đưa ra quy định về PCCC là các chung cư phải có tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xảy ra sự cố cháy nổ. Tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Trong tầng lánh nạn bố trí gian lánh nạn; các gian lánh nạn phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150. 

Gian lánh nạn phải có diện tích đảm bảo đủ chứa được ít nhất một nửa tổng số người của tất cả các tầng trên và tầng dưới của gian lánh nạn với định mức 0,3m²/người. Gian lánh nạn phải có cửa thông với buồng thang không nhiễm khói và phải có cửa ra thang máy chữa cháy. 

Gian lánh nạn phải có trang thiết bị chống cháy riêng gồm: thiết bị chống tụ khói, họng nước chữa cháy trong nhà, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống truyền thanh chỉ dẫn thoát nạn… Ngoài ra, có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn...

Tuy nhiên, ngoài nhà lánh nạn, theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và PCCC, cần phải có quy định mới về hệ thống thang thoát hiểm tại các chung cư cao tầng. 

Hiện nay, thang máy chữa cháy và thang bộ thoát hiểm thường được bố trí ngay bên trong tòa nhà, vì vậy khi xảy ra cháy, khói, lửa vẫn có thể tràn vào trong thang thoát hiểm, khiến lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận để cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy. Vì vậy, cần phải tính đến thiết kế thang thoát hiểm ngoài tòa nhà.

Một vụ cháy chung cư tại Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội.
Một vụ cháy chung cư tại Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội.
 

Tháng 9-2018, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo giới thiệu giải pháp hệ thống thang chữa cháy và cứu hộ thoát hiểm nhà cao tầng. Hệ thống thang chữa cháy này được lắp đặt và vận hành bên ngoài tòa nhà, không sử dụng giếng thang như thang máy truyền thống. 

Thang máy được lắp đặt sẵn và chuyên biệt trên nóc các tòa nhà cao tầng, bao gồm hệ thống ray dẫn hướng được cố định vào kết cấu chịu lực của công trình, hệ thống tời thủy lực và  dây cáp chạy dọc tòa nhà cùng cabin chở người. 

Trong tình huống khẩn cấp, hệ thống sẽ tự động di chuyển đến các vị trí được thiết kế trước để tiếp nhận sự điều khiển vận hành của người sử dụng (lực lượng chữa cháy hoặc lực lượng cứu hộ) giống như một thang máy truyền thống. Hệ thống dây cáp  đưa các cabin di chuyển lên xuống giữa các tầng phía trên với mặt đất. Hệ thống vận thang chữa cháy và cứu hộ thoát hiểm phù hợp với những tòa nhà cao tầng có chiều cao tối đa tới 300m.

Là người đã từng nhiều năm làm công tác PCCC, đã nghiên cứu và khảo sát thực tế các thiết bị PCCC cho nhà cao tầng tại một số nước và hiện cũng là một “cư dân chung cư”, Đại tá Đỗ Ngọc Sơn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh- Bộ Công an, cho biết việc trang bị thang máy chữa cháy, thang máy cứu hộ bên ngoài tòa nhà có ưu điểm là: lực lượng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp có thuận lợi trong việc tiếp cận được các vị trí của tòa nhà, nhất là các vị trí trên cao mà xe thang chữa cháy không tới được; giảm việc tiếp xúc với khói so với thang máy chữa cháy trong nhà; người chỉ huy chữa cháy có điều kiện quan sát tốt hơn để có phương án chỉ huy điều hành trong quá trình xử lý vụ cháy và cứu nạn; người cần được cứu nạn chủ động hơn trong việc tìm lối thoát nạn...

Vì vậy, theo Đại tá Đỗ Ngọc Sơn, để công tác PCCC tại các chung cư được nhanh chóng khi xảy ra hỏa hoạn, trong quy chuẩn mới cần quy định các thang này phải được bố trí ở mặt ngoài của mặt bằng tòa nhà (bao gồm thang máy sử dụng giếng thang và không có giếng thang); Nếu bố trí trong vùng giữa của mặt bằng thì phải có các hành lang riêng không nhiễm khói dẫn từ lối vào của tòa nhà đến các vị trí cửa thang máy tại tầng 1. 

Thang máy chữa cháy chỉ được sử dụng khi có cháy và được vận hành bởi lực lượng PCCC&CNCH, hoặc lực lượng bảo vệ của tòa nhà khi được giao nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn.

Đối với thang máy cứu hộ và thoát nạn khẩn cấp, cơ quan Cảnh sát PCCC phải đề nghị bắt buộc trang bị thang máy cứu hộ và thoát nạn khẩn cấp bên ngoài tòa nhà là phương tiện cứu người đối với các nhà chung cư, khách sạn và các loại nhà khác cao từ 25m trở lên và có hơn 50 người. 

Cần quy định thang máy cứu hộ và thoát nạn khẩn cấp, bố trí ở mặt ngoài tòa nhà (Sử dụng loại có giếng thang và không có giếng thang) để cứu người. Trong điều kiện khẩn cấp chỉ có lực lượng PCCC chuyên nghiệp và lực lượng bảo vệ tại chỗ được sử dụng để cứu hộ và thoát nạn cho người sinh hoạt và làm việc tại tòa nhà.

Đối với các công trình cao tầng xây dựng không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi ban hành luật Phòng cháy và chữa cháy thì nghiên cứu áp dụng thang máy không sử dụng giếng thang là giải pháp bổ sung thay thế.