4 sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 12-17/9/2016

PV.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề xuất tăng gấp đôi Quỹ đầu tư của Liên minh châu Âu, 51 tỷ USD vốn đầu tư đã rút khỏi Trung Quốc trong tháng 8/2016, dự báo sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga trong năm 2016 cao nhất trong vòng 30 năm... là những điểm nhấn tài chính - kinh tế thế giới tuần qua (12-17/9/2016).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề xuất tăng gấp đôi Quỹ đầu tư của Liên minh châu Âu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề xuất tăng gấp đôi Quỹ đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2016 đến năm 2022 lên 630 tỷ EUR nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quỹ sẽ đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các khoản cho vay ưu đãi.

51 tỷ USD vốn đầu tư đã rút khỏi Trung Quốc trong tháng 8/2016

Trong tháng 8/2016, khoảng 51 tỷ USD vốn đầu tư đã rút khỏi Trung Quốc, tăng nhẹ so với 50 tỷ USD trong tháng 7. Điều này đã gây áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ và buộc Chính phủ Trung Quốc phải tiếp tục bổ sung thanh khoản thông qua các công cụ định lượng, đồng thời phải đối mặt với nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản.

Dự báo sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga trong năm 2016 cao nhất trong vòng 30 năm

Dự báo sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga trong năm 2016 tăng 2,2% so với năm 2015 lên 546 - 547 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 30 năm. Trong tuần đầu tháng 9, sản lượng khai thác dầu của Nga đạt bình quân khoảng 11 triệu thùng/ngày, cao hơn mức trung bình 10,71 triệu thùng/ngày của tháng 8/2016.

Chính phủ Brazil sẽ thực hiện kế hoạch tư nhân hóa nhiều dự án dầu khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng

Trong thời gian tới, Chính phủ Brazil sẽ thực hiện kế hoạch tư nhân hóa nhiều dự án dầu khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng nhằm thu về hàng tỷ USD để khôi phục kinh tế đất nước. Kế hoạch bao gồm việc đấu thầu quyền khai thác các mỏ dầu khí, các sân bay tại nhiều thành phố lớn, một số tuyến đường cao tốc liên bang tại miền Nam và miền Tây, hệ thống cảng biển, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng và phát triển các dự án năng lượng. 

Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8% - mức thấp nhất trong 25 năm, thâm hụt ngân sách trên 10% GDP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, năm 2016 kinh tế Brazil tiếp tục suy thoái và tăng trưởng âm 3,5%.