EU đoàn kết vì tương lai
Khép lại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu tại Bratislava, Slovakia, lãnh đạo 27 nước thành viên (không có Anh) đã thống nhất một “lộ trình” chiến lược nhằm tái thiết lòng tin của người dân trong thời kỳ hậu Brexit. Lúc này, châu Âu buộc phải tạm gác những bất đồng sang một bên để thắt chặt khối đoàn kết vì sự tồn vong của chính mình.
Sự thống nhất nội khối
Bất chấp những bất đồng sâu sắc nội khối, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề nhập cư, chống khủng bố, quốc phòng và kinh tế của liên minh. Dự kiến, kế hoạch cho những cam kết hợp tác mới này sẽ được thông qua vào tháng 3/2017, nhân kỉ niệm 60 năm các Hiệp ước thành lập EU được ký kết tại Thủ đô Rome, Italy.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng nước chủ nhà Robert Fico tuyên bố, có thể coi kế hoạch hành động chung là ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo EU trong những tháng tới. Người đứng đầu Chính phủ Slovakia đánh giá Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava rất thành công vì EU đã chứng tỏ được sự thống nhất nội khối, đồng thời khôi phục sự ổn định và niềm hy vọng vào liên minh vốn bị “chấn động” bởi nhiều cuộc khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU đã chứng tỏ họ mong muốn tiến xa hơn trên con đường chung và tiếp tục tiến trình hội nhập.
Sự đoàn kết cũng thể hiện rõ nét trong tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande, cam kết xây dựng một EU “thành công”. Bà Merkel khẳng định, việc Anh rời EU khiến khối này rơi vào một tình huống “nghiêm trọng”, bởi vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu trong 6 tháng tới cần phải có một kế hoạch hành động để giải quyết từng vấn đề như nhập cư và an ninh biên giới vùng ngoài.
EU cần phải có sự đoàn kết và hợp tác hơn nữa - những giá trị đã được các nước sáng lập nhất trí vào năm 1957. Tổng thống Pháp Hollande cũng nhất trí tiếp tục hợp tác với Đức để cùng đưa ra các biện pháp cụ thể cho từng vấn để hậu Brexit.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, Liên minh sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên, đồng thời nhấn mạnh, Anh sẽ không được hưởng quyền tiếp cận thị trường chung EU nếu London không đồng ý cho phép người lao động EU được tự do tới Anh.
Tồn tại bất đồng
Nhìn chung, Hội nghị đã khép lại với tinh thần đoàn kết cao, tuy nhiên, vẫn tồn tại bất đồng trong việc xử lý dòng người nhập cư lớn vào châu Âu. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, Hội nghị Thượng đỉnh lần này đã thất bại trong việc thay đổi các chính sách về người nhập cư của EU mà ông gọi là “tự hủy diệt và ngây thơ”.
Lãnh đạo nhóm 4 nước Trung Âu (gồm CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia) - gọi tắt là Nhóm Visegrad - đã ra tuyên bố chung ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh EU, trong đó nhấn mạnh, EU cần đưa ra các chính sách nhập cư dựa trên nguyên tắc thống nhất, linh hoạt nhằm giải quyết làn sóng di cư bất hợp pháp vào lục địa già. Trong đó, việc bảo đảm an ninh biên giới phía ngoài liên minh và phối hợp với các quốc gia nằm ở “cửa ngõ” châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ là các yếu tố then chốt.
Theo các lãnh đạo Nhóm Visegrad, EU hiện phải đối phó với nhiều thách thức. Để vượt qua những khó khăn này, Liên minh cần quan tâm và tôn trọng tiếng nói của tất cả các nước thành viên và người dân từng quốc gia trước khi đưa ra những quyết định liên quan đến vấn đề này.
Trong đó, ưu tiên hàng đầu vào việc thúc đẩy vai trò của Nghị viện các quốc gia thành viên trong việc hoạch định những chính sách của liên minh. Bên cạnh đó, EU phải bảo đảm các quy định pháp lý được thi hành như nhau ở tất cả các quốc gia liên minh, song mọi chính sách của EU vẫn cần tôn trọng và bảo tồn sự đa dạng của các nước thành viên.
Vì một tương lai tốt đẹp
Giới quan sát nhận định, Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava tuy không chính thức song đóng vai trò quan trọng đối với việc ngăn chặn những tư tưởng hoài nghi trong liên minh này; đồng thời giúp giảm nguy cơ tiếp diễn các cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EU. Sự kiện được tổ chức nhằm mục tiêu lấy lại lòng tin của người dân về EU, vốn nhiều thập kỷ qua được xem là tổ chức bảo hộ cho hòa bình và thịnh vượng của châu Âu.
Sau cơn địa chấn Brexit hồi tháng 6 vừa qua, hơn lúc nào hết, đây là lúc châu Âu cần thể hiện tinh thần đoàn kết từng bước giải quyết các khó khăn. Những cái đầu lạnh của châu Âu đã buộc phải thừa nhận rằng sự ra đi của nước Anh là bi kịch đối với toàn lục địa.
Điều tất cả các chính phủ có thể làm để cứu vãn tình hình hiện nay là cố gắng để cuộc chia ly này diễn ra êm thấm nhất có thể, hạn chế tối đa những hậu quả nghiêm trọng. Bởi không chỉ người dân Anh không đáng bị “trừng phạt”, mà còn bởi tất cả người dân châu Âu xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn.