4 thách thức trong trung hạn của chính sách tài khóa

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng, đến thời điểm này có thể thấy các kết quả đạt được trong thực hiện chính sách tài khóa những tháng đầu năm 2013 có cả kết quả tích cực và tiêu cực. Trên cơ sở đó, ông Thăng khuyến cáo 4 thách thức trong trung hạn của chính sách tài khóa để có đối sách phù hợp.

 4 thách thức trong trung hạn của chính sách tài khóa
Dự kiến, chi cho đầu tư phát triển sẽ giảm dần trong thời gian tới. Nguồn: nternet

Việc thực hiện chính sách tài khóa cho thấy những tồn tại và thách thức đặt ra đòi hỏi cần phải được giải quyết trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, gắn với các đột phá chiến lược đã đề ra.

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, thách thức trong ngắn hạn hiện nay là làm thế nào để thực hiện chính sách tài khóa đạt được các mục tiêu kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013 đã đề ra, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2013, đồng thời đảm bảo thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ thu, chi NSNN theo dự toán đã được Quốc hội thông qua.

Giảm dần tỷ lệ động viên vào ngân sách

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cũng chỉ ra 4 thách thức trong trung hạn chính sách tài khóa đứng trước 4 áp lực, đó là: Từng bước giảm dần tỷ lệ động viên vào NSNN so với GDP; nhu cầu tăng chi đáp ứng các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; đảm bảo tính bền vững của NSNN; hỗ trợ thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong đó, đáng chú ý, xem xét mức độ động viên ngân sách, cho thấy tỷ lệ này sẽ có xu hướng giảm dần. Quy mô thu NSNN so với GDP bình quân giai đoạn 2001-2010 là 26,6% GDP, trong đó thu ngân sách từ thuế, phí đạt 24,2% GDP. Trong 3 năm gần đây, mức độ động viên ngân sách có xu hướng giảm (năm 2011 là 28,5%; năm 2012 là 22,9%; năm 2013 tỷ lệ động viên kế hoạch là 24,2% GDP, trung bình ba năm 2011-2013 là 25,2% GDP, thấp hơn so với tỷ lệ huy động bình quân của 10 năm trước đó), khả năng chỉ đạt 20-21% GDP.

Đây cũng là xu hướng phù hợp với Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chiến lược Tài chính đến năm 2020 và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đều yêu cầu phải giảm dần tỷ lệ động viên vào NSNN so với GDP. Tuy nhiên, căn cứ tỷ lệ huy động thực tế 3 năm 2011-2013 và dự kiến 2 năm 2014-2015, khả năng tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước trên GDP dự kiến khó đạt 23- 24% GDP như mục tiêu đề ra.

Trong những năm qua, việc thực hiện các biện pháp miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN đã tác động làm giảm thu NSNN, bên cạnh đó việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu hập doanh nghiệp , thuế GTGT cũng sẽ làm giảm thu NSNN trong một số năm đầu thực hiện. Tuy nhiên, xét về dài hạn việc giảm mức động viên sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra nhiều hàng hóa, của cải vật chất cho xã hội, tạo thêm nhiều lợi nhuận, nhờ đó nguồn thu NSNN cũng sẽ ổn định và tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Trong xu thế giảm tỷ lệ huy động vào NSNN đòi hỏi việc huy động các nguồn lực vào NSNN phải hiệu quả, có tính bền vững. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù các chính sách về thu NSNN đã được ban hành và thường xuyên được hoàn thiện nhưng việc huy động một số nguồn lực tài chính còn chưa hiệu quả như huy động nguồn lực từ đất đai, hay việc quy định tỷ lệ đầu tư trở lại chưa rõ ràng và có sự khác nhau giữa các ngành, lĩnh vực cũng làm cho hiệu quả huy động nguồn lực bị hạn chế.

Áp lực chi NSNN gia tăng

Trong bối cảnh tỷ lệ động viên vào ngân sách giảm dần, áp lực chi NSNN lại gia tăng cùng với xu thế hình thành các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách làm phân tán nguồn lực tài chính nhà nước. Quy mô chi NSNN xét về số tuyệt đối và so với GDP giai đoạn 2001-2009 cho thấy xu thế tăng dần qua các năm. Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây quy mô chi NSNN so với GDP có xu thế giảm, tốc độ tăng chi cũng giảm đáng kể. Điều này thể hiện kết quả của việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ trong thời gian qua.

Xét về cơ cấu chi NSNN, trong 3 khoản chi lớn là chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ viện trợ thì chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN và có xu hướng tăng lên qua các năm, trong khi đó hai khoản chi còn lại có xu hướng giảm, đặc biệt là chi đầu tư phát triển.

Theo phân tích của ông Vũ Nhữ Thăng, xét trong mối quan hệ giữa thu và chi NSNN thì trong khi quy mô thu NSNN khó có thể duy trì ở mức như thời gian qua, áp lực tăng chi NSNN để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đang có xu hướng mở rộng.

Trong khi đó, việc mở rộng chi thường xuyên cũng là vấn đề cần phải xem xét vì các khoản chi này thường khó cắt giảm hơn so với chi đầu tư phát triển. Ngoài ra, tình trạng chi bổ sung dự toán để thực hiện các chính sách mới, đặc biệt là các đề án được cấp có thẩm quyền quyết định đang có xu hướng gia tăng đã ảnh hưởng tới công tác lập dự toán ngân sách hàng năm cũng như quản lý, điều hành NSNN....

Những bất cập và thách thức trên theo ông Vũ Nhữ Thăng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ thể chế chưa được hoàn thiện. Thời gian tới, khi bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được ban hành, cùng với việc sửa đổi nhiều dự án Luật như Luật  NSNN; Luật Xây dựng và dự án Luật Đầu tư công được ban hành sẽ góp phần tích cực trong quá trình định hướng và điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN nói riêng, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội nói chung trong thời gian tới.