40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phải cắt giảm nhân sự do đại dịch
Báo cáo về tình hình doanh nghiệp nhỏ năm 2021 của mạng xã hội toàn cầu Facebook vừa được công bố cho biết, 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam phải cắt giảm nhân sự do tác động của đại dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp nhỏ được coi là nhịp đập của nền kinh tế và nhịp đập này đang gặp vấn đề. Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng y tế, ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng mà còn gây ra khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Báo cáo của Facebook cung cấp những hiểu biết quan trọng giúp tạo ra những hỗ trợ có ý nghĩa đối với nhóm đối tượng này.
Theo khảo sát, môi trường kinh doanh tiếp tục khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam đã buộc phải cắt giảm nhân sự.
Tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa vào tháng 2/2021 là 24%, so với mức trung bình toàn cầu là 25% vào tháng 5/2020 và 16% vào tháng 10/2020. Báo cáo này cũng chỉ ra 78% doanh nghiệp Việt Nam trên Facebook Việt Nam đang hoạt động hoặc có hoạt động tạo doanh thu.
62% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên Facebook cho biết doanh số bán hàng của họ trong tháng qua thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong giai đoạn trước đại dịch.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 60 – 70% số người lao động ở hầu hết các quốc gia. 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu cho biết họ đang phải cắt giảm nhân sự kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Theo đó, 27% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và 21% doanh nghiệp do nam giới làm chủ trên thế giới phải đóng cửa. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Việt Nam lần lượt là khoảng 20% và 25%.
Chỉ trong vòng 3 tháng gần nhất, 31% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải ngừng hoạt động. Các hoạt động kinh doanh cá thể còn tồi tệ hơn: 52% hộ kinh doanh cá thể phải ngừng hoạt động. 43% khách sạn, quán cà phê, nhà hàng và các dịch vụ như chăm sóc sức khoẻ phải đóng cửa.
Do doanh số bán hàng tiếp tục thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng một trong những lo lắng chính của họ là nhu cầu khách hàng đang giảm dần. 19% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên Facebook có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến dòng tiền và 24% quan ngại về những thách thức liên quan đến nhu cầu khách hàng giảm hoặc thiếu hụt khách hàng trong vài tháng tới.
Về phía các nhân viên, ngay cả khi doanh nghiệp vẫn hoạt động, họ vẫn gặp nhiều khó khăn tài chính khi bị cắt giảm việc làm, cắt giảm giờ làm. Chỉ có 3% doanh nghiệp cho biết số lượng nhân viên của họ tăng lên trong thời gian qua. 44% cho biết họ phải giảm số lượng nhân viên và công nhân do địa dịch. Khoảng 65% chủ sở hữu doanh nghiệp và quản lý cho biết, nhân viên không nhận được tiền lương, tiền thưởng cuối dự án hoặc trợ cấp thất nghiệp vì đại dịch.
Tuy nhiên, khảo sát của Facebook cũng cho thấy một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu phân bổ lại nhân sự. 18% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động cho biết trong 3 tháng qua, họ đã tuyển dụng lại những nhân viên đã bị buộc thôi việc hoặc sa thải trước khi đại dịch bắt đầu.
Khoảng 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã có doanh số tăng so với năm ngoái. 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên Facebook tại Việt Nam cho biết họ tự tin vào khả năng tiếp tục hoạt động trong ít nhất 6 tháng nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn.
Các công cụ kỹ thuật số trở nên quan trọng hơn đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc giúp họ thích ứng với những thách thức hiện tại. Hơn một nữa (55%) các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên toàn cầu cho biết họ sử dụng các công cụ kỹ thuật số để giao tiếp với khách hàng, chủ yếu thông qua quảng cáo và bán hàng hoá, dịch vụ.