5 bước để nhượng quyền thương mại thành công
Trong những năm gần đây, nhượng quyền thương mại đã đạt được sự tăng trưởng rất lớn. Đây là một trong những hình thức kinh doanh rất đáng quan tâm, đặc biệt đối với những nhà đầu tư trẻ.
Nhìn ra thế giới
Nhượng quyền thương mại tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Bắc Mỹ từ những năm 1950. Đến thập niện 1960, các hiệp hội nhượng quyền được thành lập và luật pháp về lĩnh vực này nhằm bảo vệ quyền của các bên liên quan đã khá hoàn chỉnh. Trong thập niên vừa qua, hơn 40% tổng doanh số bán lẻ là kết quả của nhượng quyền thương mại ở Bắc Mỹ.
Ba loại hình nhượng quyền phổ biến là nhà sản xuất trao quyền cho đại lý bán sản phẩm, một trong những thành viên của kênh phân phối như nhà bán buôn hoặc nhà bán lẻ khởi xướng tổ chức nhượng quyền và công ty nhượng quyền liên quan đến một công ty bán sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống.
Một trong những lý do nhượng quyền ngày càng phổ biến là vì hình thức kinh doanh này được nhiều nước khuyến khích áp dụng. Hình thức này tiếp tục được quan tâm vì nhiều tổ chức kinh doanh đã chứng minh có thể mở rộng quy mô rất nhanh để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
So với hai phương thức khởi nghiệp kinh doanh nhỏ khác là tự thành lập công ty hoặc mua lại doanh nghiệp đang kinh doanh, nhượng quyền thương mại mang lại một số lợi thế. Đó là thị trường đã được xác định, các công việc như lựa chọn địa điểm, mua hoặc xây dựng trang web, cung cấp tài chính, cung cấp các phương pháp vận hành, quảng cáo, khối lượng sản phẩm tiêu chuẩn cần cung cấp và đào tạo nhân viên đều đã có khuôn mẫu.
Tuy nhiên, hình thức này cũng chứa những nhược điểm tiềm tàng như thiếu tính độc lập, chi phí hàng hóa và nhượng quyền lớn, hạn chế thể hiện trong hợp đồng, thị trường có thể bão hòa và người ta dễ phóng đại thành công về tài chính.
Vấn đề đầu tiên khi chọn hình thức nhượng quyền là xác định liệu nhượng quyền thương mại có tốt hơn so với việc tổ chức một doanh nghiệp từ đầu hay không, kể cả trong trường hợp tính toán chi phí để bắt đầu là như nhau.
Về chi phí nhượng quyền, trong lĩnh vực thức ăn nhanh chẳng hạn, một số công ty nổi tiếng có giá rất đắt đỏ. Để mở một cửa hàng Burger King, chủ đầu tư phải đáp ứng yêu cầu vốn lưu động tối thiểu 500.000 USD. Trong khi đó, để sở hữu một cửa hàng nhượng quyền McDonalds, doanh nghiệp phải có tài sản không vay mượn ít nhất là 750.000 USD. Yêu cầu tương tự về mức tài sản lưu động cho cửa hàng KFC là 750.000 USD, Taco Bell 750.000 USD và Pizza Hut 350.000 USD.
Những điều cần lưu ý
Như vậy, vấn đề đầu tiên khi chọn hình thức nhượng quyền là xác định liệu nhượng quyền thương mại có tốt hơn so với việc tổ chức một doanh nghiệp từ đầu hay không, kể cả trong trường hợp tính toán chi phí để bắt đầu là như nhau. Một số lĩnh vực cần được nghiên cứu trong giai đoạn này là mức độ chấp nhận rủi ro, kinh nghiệm và mức độ cần hỗ trợ, hiệu suất kinh doanh độc lập, thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, phân bổ chi phí.
Có năm bước để trở thành một nhà nhượng quyền thành công. Đầu tiên là phát triển một nguyên mẫu nhượng quyền để giải quyết bất kỳ "lỗi" nào. Lý tưởng nhất là trước khi phát triển nhượng quyền, cần có một nguyên mẫu thành công để trải nghiệm và khắc phục bất kỳ vấn đề tiềm năng nào mà bên nhận quyền sẽ gặp phải.
Bước thứ hai là chuẩn bị các thông tin cần thiết cho bên nhận quyền tiềm năng. Trong giai đoạn này, cần chuẩn bị một bản phác thảo kế hoạch tiếp thị cho nhượng quyền thương mại với các tài liệu quảng cáo và dữ liệu tài chính mà một tổ chức nhượng quyền thông thường có thể kiếm được.
Bước thứ ba là điều tra các yêu cầu pháp lý trong việc thành lập một công ty nhượng quyền, kể cả việc đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh.
Bước tiếp theo là lập kế hoạch và chuẩn hóa chương trình hoạt động để bên nhượng quyền có thể dễ dàng giám sát hoạt động. Trong giai đoạn này, các thủ tục kinh doanh và tất cả các thông tin quan trọng cần thiết khác để thành công phải được ghi lại trong tài liệu hướng dẫn vận hành.
Bước cuối cùng là bảo đảm nhà nhận nhượng quyền có đủ năng lực tài chính để theo kịp sự mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng.