5 cách lau chùi khiến mặt bếp từ không sạch hơn mà còn chóng hỏng
Lau mặt bếp từ khi còn nóng hoặc dùng lực quá mạnh không khiến bếp sạch hơn mà chỉ gây hại.
Mặt bếp từ thường được làm bằng chất liệu kính ceramic vì dễ lau chùi, làm sạch cũng như đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu không để ý, bạn rất có thể sẽ làm hỏng mặt bếp, theo RD:
Dùng mặt ráp của miếng rửa bát để lau bếp
Miếng xốp rửa bát hai mặt thường có mặt mút mềm và mặt ráp, với công dụng riêng. Nếu bạn lau bếp mà dùng đến mặt ráp, chúng có thể sẽ làm xước hết mặt bếp.
Dùng nùi chà nồi để lau mặt bếp
Đây thực sự là một sai lầm của các bà nội trợ khi muốn thổi bay những vết bẩn bám dính. Thực tế việc này sẽ làm tình hình tệ hơn. Bạn khiến cho mặt bếp xước, các thức ăn càng bám vào các khe đó và khiến bề mặt xỉn mờ đi rõ rệt.
Để tẩy các vết bẩn bám dai trên đó, tốt nhất là bạn dùng đến một chiếc lưỡi dao cạo. Đặt nó một góc 45 độ và khẽ đẩy qua những vết bẩn két dính.
Lau chùi khi mặt bếp còn nóng
Nên chờ cho đến khi bếp đã hoàn toàn hạ nhiệt, sau đó hãy bắt đầu lau chùi. Khi bạn đổ chất tẩy rửa lên bề mặt nóng, bạn có thể khiến cho hóa chất sôi lên, ăn mòn mặt bếp, để lại những vết mòn mà bằng mắt thường khó thấy ngay.
Dồn lực quá mạnh vào mặt bếp
Việc bạn tì tay vào mặt bếp khi lau chùi, hay đặt các thứ quá nặng so với trọng lượng cho phép lên mặt bếp có thể khiến cho nó bị gẫy, nứt. Động chạm nhẹ nhàng là cách để giữ mặt bếp bền hơn.
Sử dụng các hóa chất lau chùi không thích hợp
Nên chú ý rằng hóa chất không phù hợp sẽ khiến mặt kính bị ăn mòn. Hãy lựa chọn những sản phẩm làm sạch riêng cho bếp từ.