Vĩnh Long: Khẩn trương hoàn thành triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 30/9
Ngày 18/7, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết để tạo thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh sau sáp nhập, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, các phòng ban liên quan khẩn trương hoàn thành triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 30/9/2025.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, hệ thống y tế tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập (Vĩnh Long- Bến Tre- Trà Vinh) với mạng lưới gồm 2 chi cục, 8 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 435 cơ sở y tế, 1 bệnh viện cấp chuyên sâu, 46 bệnh viện cấp cơ bản và 388 cấp ban đầu với tổng số hơn 13.131 nhân viên y tế có trình độ đại học và sau đại học trở lên, chiếm tỷ lệ khoảng 48%.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long đạt và vượt 5 chỉ tiêu, trong đó hoạt động khám chữa bệnh đạt hơn 1,5 triệu lượt, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm 87,3%, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, không để dịch lớn xảy ra. Các chỉ số như tỷ suất tử vong trẻ em, tỷ lệ tiêm chủng, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám định kỳ... đều có chuyển biến tích cực.
Các chương trình y tế dự phòng, dân số, sức khỏe sinh sản được duy trì thường xuyên, tầm soát ung thư cổ tử cung bằng AI, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật và người cao tuổi tiếp tục được mở rộng.
Ngành cũng đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, với 93,3% cơ sở khám chữa bệnh công lập triển khai bệnh án điện tử; 100% thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Tuy nhiên, theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, ngành y tế tỉnh Vĩnh Long vẫn còn đối mặt một số khó khăn như thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ giữa các tuyến, các vùng còn lớn; nhân lực y tế thiếu hụt và mất cân đối, nhất ở vùng sâu; đặc biệt là bác sĩ và điều dưỡng, tỷ suất sinh thấp…
Ngoài ra, ngành còn gặp khó khăn trong công tác chuyển đổi số, bệnh án điện tử, giấy phép hoạt động, con dấu trạm chính và các điểm trạm, tổ chức, sắp xếp bộ máy của các đơn vị; khó khăn về đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế…
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt phát triển song song y tế cơ sở và các kỹ thuật chuyên sâu của bệnh viện tuyến cuối để phục vụ tốt hơn cho người bệnh.
Tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh và hướng tới mô hình bệnh viện thông minh, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng và sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Đi đôi với mô hình cơ sở y tế “xanh- sạch- đẹp”.
Song song đó, xây dựng hệ thống kho dữ liệu y tế đồng bộ, có khả năng kết nối, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh Vĩnh Long; khẩn trương hoàn thành triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 30/9/2025. Quan tâm hơn nữa về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật.