6 địa phương vẫn chưa chuyển biến rõ rệt trong giải ngân đầu tư công
Theo Tổ công tác số 5 của Chính phủ về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước vẫn là những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước. Đến hết tháng 8/2024, ước thực hiện của các địa phương này vẫn chưa có sự đột phá rõ rệt.
Giải ngân vẫn thấp hơn bình quân chung
Tổ công tác số 5 của Chính phủ về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng cho hay, 06 tháng đầu năm 2024, có 06/12 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 06 tháng năm 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước. Cụ thể: Bình Thuận 20,26%; Gia Lai 19,65%; Kon Tum 25,76%; Lâm Đồng 23,25%; Đồng Nai 22,73%; và Bình Phước 25,68%.
Thực tế tình hình giải ngân đến hết 31/7/2024, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước 07 tháng năm 2024 (34,68%) tăng 5,29% so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước 06 tháng năm 2024 (29,39%). Tỷ lệ giải ngân thực tế của 06 địa phương nêu trên mặc dù đạt so với ước giải ngân 07 tháng 2024 đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (trừ tỉnh Kon Tum) song chưa có nhiều chuyển biến tích cực, vẫn là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước.
Đến hết tháng 8/2024, ước thực hiện của các địa phương này vẫn chưa có sự đột phá rõ rệt. Ước tỷ lệ giải ngân của các địa phương trên lần lượt đạt như sau: tỉnh Bình Thuận 30,24%; tỉnh Gia Lai 40,35%; tỉnh Kon Tum 32,73%; tỉnh Lâm Đồng 35%; tỉnh Đồng Nai 33,26%; tỉnh Bình Phước 29,74%.
Theo báo cáo của các địa phương, các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công tập trung chủ yếu ở các cơ chế, chính sách liên quan tới các bộ chuyên ngành. Điển hình như các vướng mắc liên quan đến việc giao vốn, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thuộc quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; về quy hoạch, nghiệm thu công trình liên quan đến Bộ Xây dựng.
Hay như vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng liên quan đến Bộ Tài nguyên và Môi trường; về chuyển đổi sử dụng đất, các vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia thuộc quản lý của Ủy ban Dân tộc. Ngoài ra, còn phải kể đến như các vướng mắc về việc mua sắm thiết bị liên quan đến Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, khâu tổ chức, thực hiện ở các địa phương còn chưa quyết liệt và vẫn còn có các khó khăn, vướng mắc như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nguồn cung nguyên, vật liệu thi công...
Trên cơ sở tình hình giải ngân của các địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy việc bố trí kế hoạch vốn của các địa phương cho dự án chưa bảo đảm theo đúng khả năng hấp thụ vốn của các dự án. Nhiều dự án có khối lượng vốn lớn như tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn còn thấp, có dự án còn chưa thực hiện giải ngân.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Hiện nay, các khó khăn, vướng mắc của các địa phương xoay quanh các Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Đấu thầu... Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung 07 luật (trong đó có Luật Ngân sách nhà nước); Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung 04 luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cơ bản cho các địa phương trong triển khai, thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Do đó, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 đề nghị, sau khi các luật trên được thông qua và có hiệu lực, các địa phương nghiên cứu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các bộ chuyên ngành nghiên cứu, có ý kiến hướng dẫn, tháo gỡ cho các địa phương đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Hiện nay, một số vướng mắc, kiến nghị đã được các bộ chuyên ngành phúc đáp, hướng dẫn, tháo gỡ. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương nghiên cứu, triển khai thực hiện, trường hợp khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được làm rõ, các địa phương có văn bản gửi các bộ chuyên ngành để được tiếp tục hướng dẫn giải quyết triệt để.
Ngày 08/8/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT- TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng chỉ đạo với “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” trong giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 để phấn đấu đạt được mục tiêu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tổ công tác đề nghị các địa phương có những giải pháp quyết liệt, nỗ lực trong thực hiện dự án, giải ngân, thực hiện đúng theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tại địa phương quyết liệt, chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; vận động người dân và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu đạt thành tích cao trong Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ chuyên ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... khẩn trương rà soát, nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc của địa phương đã được Bộ Tài chính tổng hợp để chủ động có phương án xử lý, kịp thời có văn bản hướng dẫn các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.