7 khuyến nghị với bất động sản công nghiệp
Theo giới kinh doanh bất động sản, trong ngắn hạn, thậm chí cả trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp là phân khúc có đà phát triển tốt nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện để thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng.
Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam ngày 23/4/2019, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, bất động sản công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019 và có nhiều dư địa và cơ hội phát triển. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng trở thành địa điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất.
“Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp là phân khúc có đà phát triển tốt nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện để thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”, ông Nam phát biểu.
Theo TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương, sự hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập ưu đãi…
Tuy nhiên sự phát triển của bất động sản công nghiệp cũng còn nhiều bất cập như hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà xưởng còn thấp, đóng góp của khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) vào GDP còn chưa tương xứng. Và “định hướng chính sách đã có nhưng chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển”, theo lời ông Cung.
Để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, để tạo đà cho phân khúc bất động sản công nghiệp bứt phá và phát triển bền vững. Diễn đàn đã đưa ra nhiều khuyến nghị:
Thứ nhất, cần thay đổi tư duy quản lý dựa trên cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, trọng tâm là tuân thủ quy luật cung cầu để thị trường điều tiết. Quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và quy hoạch KCN đồng bộ trong tổng thể và công khai để nhà đầu tư nghiên cứu và sớm nắm bắt cơ hội đầu tư, sớm quyết định đầu tư.
Thứ hai, duy trì mức đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư đầu tư cho hạ tầng, chú trọng hạ tầng đường cao tốc, cảng biển và mạng lưới tiện ích, năng lượng tái tạo… Cơ sở hạ tầng vượt trội là yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ với các nước khác.
Thứ ba, phải minh bạch hóa thông tin thị trường bất động sản với chính sách dài hạn, ổn định và có tính đảm bảo mức độ rủi ro chính sách, tạo tâm lý yên tâm, an toàn cho nhà đầu tư.
Thứ tư, để giữ chân các nhà đầu tư trong dài hạn, Chính phủ cần lưu tâm tới đơn giản hóa thủ tục và cải thiện sự kết nối đồng bộ giữa các lĩnh vực kinh tế.
Thứ năm, là tăng tính cạnh tranh cho chi phí giao dịch qua biên giới, trong đó đáng lưu ý là giảm chi phí tuân thủ tài liệu và chi phí xuất nhập khẩu. Hiện chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục chiếm hơn 30% trong khi ở các nước như Singapore chỉ là 10-15%.
Thứ sáu, ứng xử phù hợp với xu hướng áp dụng công nghiệp 4.0 trong việc phát triển thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam. Công nghiệp 4.0 và sự cải tiến trong công nghệ thông tin và tự động hóa sẽ thay đổi bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp. Sự kết nối giữa các dây chuyền sản xuất truyền thống sẽ được tối ưu hóa, xóa mờ ranh giới vật lý, do đó thế hệ nhà xưởng mới trong tương lai sẽ là những nhà xưởng quy mô nhỏ nhưng được kết nối xuyên suốt và đồng bộ.
Thứ bảy, khi phát triển bất động sản công nghiệp cần quan tầm giải quyết vấn đề môi trường và sức ép lên hạ tầng. Song hành với tiềm năng, bất động sản công nghiệp cũng đối mặt với không ít lo ngại cho môi trường, hạ tầng giao thông… Nhà nước cần tính toán kỹ và dự báo được rủi ro có thể xảy ra để có giải pháp cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Những năm qua, bất động sản đã có sự phát triển mạnh. Tính đến cuối năm 2018, đã có 326 KCN và KKT có tổng diện tích hơn 95.600 ha đất. Sự phát triển này nhờ định hướng xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu và việc thành lập các khu kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó là tác động từ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây, lại có thị trường lao động trẻ, chi phí thấp, và Việt Nam rất tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Những yếu tố này đã góp phần thu hút lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài, điển hình như Sámung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Gói đầu tư này đã góp phần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.