7 nhóm nhiệm vụ cải thiện chỉ số hiệu quả Logistics của Việt Nam
Ngày 26/3/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả Logistics của Việt Nam. Kế hoạch đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gắn với vai trò của các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, bản Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng chỉ số Hiệu quả Logistics (gọi tắt là LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên từ 5 - 10 bậc (năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI), đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo... góp phần thực hiện thắng lời Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.
Để nâng chỉ số Logistics của Việt Nam, trong bản Kế hoạch đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ gắn với vai trò của các Bộ, ngành, địa phương, bao gồm:
Một là, triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc – Nam; Cải tạo, nâng cấp đồng bộ các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hạ Long.
Đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay. Quy hoạch hợp lý các địa điểm tập kết xe tải, container và kho bãi, trong đó có kho bãi của các doanh nghiệp bưu chính.
Hai là, nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng: Rà soát, hoàn thiện chính sách và quy định về quá cảnh, trung chuyển hàng hóa nước ngoài qua Việt Nam theo hướng thông thoáng, thuận tiện và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam để khai thác lợi thế địa lý kinh tế trong cung ứng dịch vụ logistics.
Bố trí thời gian làm việc hợp lý tại các cơ quan cảng vụ, hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thông quan, giải phóng hàng hóa. Triển khai Lệnh giao hàng điện tử (electronic Delivery Order), Phiếu xuất nhập kho điện tử trong hoạt động của tất cả các cảng biển, sân bay, trung tâm logistics.
Ba là, nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất Iượng cung cấp dịch vụ logistics: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics, tăng cường hợp tác quốc tế về logistics để phát triển dịch vụ logistics xuyên biên giới, trước hết là thị trường các nước láng giềng và ASEAN.
Hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện, triển lãm về logistics ở trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp mở văn phòng đại diện, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ logistics.
Bốn là, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất: Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong hoạt động logistics để đón đầu các xu thế mới của thị trường logistics quốc tế (ví dụ blockchain, thiết bị giao hàng tự hành, phương tiện vận tải giao hàng phù hợp với giao thông đô thị...), hướng tới phát triển logistics xanh, logistics thông minh.
Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các sàn giao dịch vận tải và các hình thức ứng dụng công nghệ trong hoạt động logistics, đổi mới phương thức quản lý để tạo điều kiện cho các hình thức này phát triển.
Năm là, nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí: Hạn chế ban hành, đồng thời rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí về sử dụng hạ tầng làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa trong nước, xuất nhập khẩu của đa số doanh nghiệp.
Làm việc với các hãng tàu nước ngoài để đảm bảo mức phí dịch vụ tại cảng ở mức hợp lý. Chuyển toàn bộ việc thu phí cầu đường bộ sang thanh toán tự động, trực tuyến qua ngân hàng.
Sáu là, nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan: Đẩy mạnh triển khai cơ chế Một cửa Quốc gia, tăng số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tham cùng gia cơ chế này. Cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, thực hiện đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Có cơ chế phối hợp, công nhận chứng nhận về chất lượng, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa giữa các nước có hiệp định thương mại với Việt Nam. Triển khai việc tự động hóa thủ tục giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại tất cả các cửa khẩu đường không, đường biển trên toàn quốc.
Bẩy là, nhiệm vụ bổ trợ là: Phối hợp với Ngân hàng Thế giới để cung cấp, cập nhật thông tin, số liệu đầy đủ, kịp thời nhằm đánh giá, xếp hạng LPI của Việt Nam một cách khách quan, chính xác. Rà soát mã ngành đào tạo logistics để phản ánh đúng bản chất dịch vụ logistics, tạo điều kiện cho các trường mở ngành, phân ngành đào tạo về logistics.
Thúc đẩy đào tạo liên thông, công nhận tín chỉ, đào tạo cấp văn bằng quốc tế về logistics.Đa dạng hóa các hình thức đào tạo logistics như đào tạo trực tuyến (e-leaming), đào tạo tại trường lớp kết hợp với đào tạo thực tế, đào tạo tại chỗ tại các doanh nghiệp.