9 cú sốc tài chính khiến thị trường mới nổi chao đảo

Theo infonet.vn

Bất ổn dồn dập ập đến các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây. Chi phí vay mượn tăng cao khi các quỹ rời bỏ các loại tài sản của khu vực này.

9 cú sốc tài chính khiến thị trường mới nổi chao đảo
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích của Morgan Stanley đã xuất bản một báo cáo dài 82 trang với tựa đề “What If The Tide Goes Out?” (tạm dịch là “Điều gì sẽ xảy ra khi dòng vốn rút lui?”) và chủ yếu trình bày về đề tài “sudden stop” (tạm dịch là “điểm dừng đột ngột”).

“Điểm dừng đột ngột” chính là sự ngừng lại hay thậm chí là sự đảo chiều của dòng vốn đầu tư vào một số thị trường mới nổi và có thể hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận tới các thị trường vốn quốc tế trong một thời gian dài.

Theo thống kê của Business Insider, đây không phải là lần đầu tiên các thị trường mới nổi đối mặt với khó khăn ngày càng lớn trong việc tiếp cận tới các thị trường vốn.

Morgan Stanley nhận định trong báo cáo: “Hầu hết các cú sốc từng tạo ra ‘điểm dừng đột ngột’ trong vòng 30 năm qua đều không đủ lớn để nhấn chìm tất cả các thị trường mới nổi cũng như không thể ảnh hưởng đến các quốc gia có tầm quan trọng trong hệ thống. Thay vào đó, chính kết hợp giữa cú sốc đối với một nền kinh tế dễ bị tổn thương và sự lây lan đối với của cú sốc này sang các nền kinh tế có chung một số đặc điểm với nền kinh tại tâm chấn của cú sốc mới gây ra tác động mạnh”.

Cuối thập niên 1970-1981

Sự kiện: Việc bãi bỏ các quy định tài chính tại Mỹ Latinh và châu Á đã thu hút nguồn thặng dư vốn của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC); cho vay ngân hàng bùng nổ.

Tác động đến thị trường mới nổi: Hoạt động cho vay hợp vốn (syndicated lending) tại các thị trường mới nổi đạt đỉnh tại mức 51 tỷ USD trong năm 1981.

1982

Sự kiện: “Điểm dừng đột ngột” trong năm này là việc Mexico vỡ nợ sau giai đoạn sa sút kéo dài của các điều kiện trong và ngoài nước.

Tác động đến thị trường mới nổi: Các ngân hàng (chủ yếu là của Mỹ) đã rút lại các khoản vay dành cho tất cả các thị trường mới nổi. Đây được xem là thập kỷ mất mát đối với khu vực thị trường mới nổi khi các khoản vay hợp vốn dành cho khu vực này giảm đến 50%.

1989

Sự kiện: Kế hoạch thế chấp các khoản vay mượn của thị trường mới nổi.

Tác động đến thị trường mới nổi: Lượng trái phiếu phát hành của Mỹ Latinh tăng gấp 64 lần so với giai đoạn 1990-1997. Lượng tín dụng mà các ngân hàng Nhật Bản cung cấp cho châu Á (trừ Nhật Bản) tăng mạnh.

1994

Sự kiện: Cuộc khủng hoảng tiền tệ Mexico bùng nổ, đồng peso của nước này bị mất giá do sự chuyển hướng đột ngột của dòng vốn xuất phát từ các biện pháp kiểm soát.

Tác động đến thị trường mới nổi: Dòng vốn đầu tư đảo chiều nhưng đạt mức đỉnh trong vòng một năm; việc tiếp cận tới các thị trường cũng được khơi thông.

1997

Sự kiện: “Điểm dừng đột ngột” trong năm này là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á do bảng cân đối kế toán bên ngoài yếu kém.

Tác động đến thị trường mới nổi: Dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi ngày càng trầm trọng hơn.

1998-1999

Sự kiện: Nga vỡ nợ vào năm 1998 do tỷ giá hối đoái và thâm hụt tài khóa quá cao. Khủng hoảng tài chính Brazil diễn ra trong giai đoạn 1998-1999 do tỷ giá cố định.

Tác động đến thị trường mới nổi: Khủng hoảng đã lây lan sang nhiều khu vực của thị trường mới nổi. Lượng phát hành của Mỹ Latinh giảm 40%, lượng phát hành của châu Á (trừ Nhật Bản) sụt giảm 60% so với các mức năm 1997.

2008-2012

Sự kiện: Cuộc Đại khủng hoảng

Tác động đến thị trường mới nổi: Căng thẳng trong hoạt động cấp vốn gia tăng mạnh nhưng chỉ kéo dài trong 6 tháng nhờ các yếu tố cơ bản trong nước khả quan và sự ổn định vĩ mô của các thị trường mới nổi.

2011

Sự kiện: Tâm lý sợ hãi về việc các ngân hàng châu Âu cắt giảm sử dụng đòn bẩy.

Tác động đến thị trường mới nổi: Ảnh hưởng đến khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) lớn hơn so với khu vực Trung - Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi (CEEMEA) bất chấp lượng đầu tư vào các ngân hàng châu Âu nhiều hơn, nhiều khả năng là do thanh khoản tại khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) tốt hơn.

2013

Sự kiện: Việc rút lại gói kích thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy đồng USD tăng giá và dẫn đến lãi suất thực cao hơn vì các yếu tố cơ bản của thị trường mới nổi vẫn còn bất ổn, đầu tư cố định và định giá tại một số quốc gia đã trở nên căng thẳng.

Tác động đến thị trường mới nổi: Liệu có xảy ra một “điểm dừng đột ngột” mới?