9 điều kiện xem xét, thẩm tra, chấp thuận khoản vay nước ngoài
(Tài chính) Bộ Tài chính vừa ban hành Quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ tại
Theo Quy chế này, điều kiện xem xét, thẩm tra, chấp thuận khoản vay nước ngoài bao gồm: Khoản vay được Ngân hàng Nhà nước xác nhận nằm trong hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm và đảm bảo các điều kiện về vay nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;
Dự án đầu tư nằm trong kế hoạch đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Chủ sở hữu đã phê duyệt chủ trương vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả; Bên cho vay đã chấp thuận cho vay bằng văn bản; Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính năm trước liền kề và báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp không vượt quá 3 lần;
Doanh nghiệp đảm bảo khả năng bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án đầu tư; Có phương án sử dụng vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có phương án tài chính đảm bảo khả năng trả nợ khoản vay nước ngoài đã được chủ sở hữu thẩm định, phê duyệt; Doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, không bị lỗ trong ba năm liền kề gần nhất, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách.
Tại thời điểm Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận khoản vay nước ngoài, doanh nghiệp không có nợ quá hạn với các tổ chức tài chính, tín dụng; không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản được bảo lãnh, các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và ngân sách Nhà nước.
Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, người đại diện có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu và Bộ Tài chính việc sử dụng khoản vay nước ngoài, tình hình trả nợ khoản vay nước ngoài cùng với thời điểm nộp báo cáo tài chính giữa niên độ hoặc năm theo quy định của chế độ kế toán.
Chủ sở hữu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp trực thuộc đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và nguồn trả nợ.
Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích hoặc gặp khó khăn về tài chính có thể dẫn đến không trả được nợ thì tổ chức phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan để phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính thực hiện giám sát theo thẩm quyền tình hình vay, trả nợ khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 4-12-2014.