9 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Gia Hân

Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dưới sự chủ trì của ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6 tại buổi họp báo, ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp sẽ chính thức khai mạc vào sáng 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 28/11/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

 

Kỳ họp được tiến hành làm 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày): từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2 (7 ngày): từ ngày 20 đến ngày 28/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 1 dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026.

Đồng thời, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Ngoài ra, theo ông Phạm Thái Hà, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Liên quan đến vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin, Quốc hội đã nhận đầy đủ báo cáo của những cá nhân lấy phiếu tín nhiệm và đã gửi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị. Sau khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và chính thức thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm thì Văn phòng Quốc hội sẽ thực hiện công bố thông tin công khai.

Về vấn đề cải cách tiền lương, ông Đinh Ngọc Quý -Ủy viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, nguồn kinh phí để triển khai cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn từ 2024-2026.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề về thuế tối thiểu toàn cầu và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp công nghệ cao, ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, các quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được OECD đề xuất và sẽ áp dụng từ năm 2024, nên các quốc gia trong đó có Việt Nam cần ban hành cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài thực hiện kê khai. Thực tế, việc nộp thuế sẽ thực hiện từ năm 2025 nên Kỳ họp thứ 6 tới chưa đưa vào nội dung họp và thảo luận.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, đây là chính sách thuế quan trọng và chưa có tiền lệ nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo, vừa giữ chân nhà đầu tư, vừa không vi phạm các nguyên tắc quốc tế và không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Đất nước. Vì thế, Quốc hội đã giao Chính phủ hoàn thiện tờ trình các văn bản liên quan, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định ở thời điểm thích hợp, đảm bảo thời gian thực thi.