Dư địa tài khoá của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao


Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, dư địa tài khoá của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐInh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cùng Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐInh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cùng Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo.

Dư địa tài khoá được củng cố, cơ cấu nợ công tích cực hơn

Tại buổi họp báo về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6 và các hội nghị liên quan ngay sau khi Hội nghị kết thúc chiều ngày 02/10/2020, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề ngân sách trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động xấu của đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án điều hành thu, chi ngân sách nhà nước.

Trong khi thâm hụt ngân sách nhà nước dự kiến giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến, giá dầu thô giảm thấp, điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thì nhu cầu chi lại lớn nhằm đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng… Do đó, khó khăn, áp lực về bội chi ngân sách nhà nước là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối ngân sách, bên cạnh việc sử dụng nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2019 và các năm trước, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, cấp bách, giảm chi thường xuyên 10% và giảm công tác nước ngoài 70%. Đồng thời, chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ ngân sách, các nguồn lực tại chỗ và huy động thêm nguồn lực xã hội để đảm bảo thanh khoản cho quỹ ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, điều quan trọng là sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, dư địa tài khoá của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao, nhất là về quản lý bội chi rất chặt chẽ. Do vậy, nợ công đã giảm sâu từ 63,7% năm 2016 xuống còn 54% GDP năm 2019; chất lượng nợ công được cải thiện cao; huy động từ trái phiếu chính phủ tốt. 

Theo đánh giá đến hết năm 2019, nhiều mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm về tài chính ngân sách đã cơ bản hoàn thành. Đơn cử như: thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 25,5% GDP, chi ngân sách nhà nước bằng gần 28% GDP; chi đầu tư cho phát triển bằng 29,2% tổng chi ngân sách (mục tiêu đề ra là 25-26%); bội chi ngân sách nhà nước bằng 3,36% GDP (mức cho phép là 3,9% GDP) và nợ công ở mức 54,7% GDP (trần cho phép là 65% GDP)... Như vậy, dư địa tài khoá được củng cố, cơ cấu nợ công tích cực hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện dư địa thu, chi ngân sách.

Với tình hình ngân sách nhà nước năm 2020, mặc dù thu ngân sách có giảm so với dự toán, nhưng dư địa tài khoá lớn, nên khả năng bù đắp và đặc biệt là bù đắp tăng chi cho đầu tư phát triển và phòng chống dịch là hoàn toàn có dư địa. Nếu so với năm 2012-2014 thì hiện nay dư địa rất rộng. Do đó, nếu phải tăng bội chi nhưng dư địa và thị trường rất tốt, nên thời gian tới, Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp đã được thông qua và đang thực hiện nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: gia hạn, giảm thuế…

Phát triển thị trường vốn bền vững

Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến vai trò Chủ tịch Tiến trình Hợp tác Tài chính 2020 của Bộ Tài chính trong các nội dung ưu tiên gắn với Chủ đề Quốc gia ASEAN tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà cho biết, năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN với chủ đề quốc gia "ASEAN gắn kết và chủ động tích ứng”, trên cơ sở này, Bộ Tài chính đã có nhiều định hướng cho việc hoạch định các sáng kiến riêng. Trong lĩnh vực kinh tế tài chính có 13 sáng kiến ưu tiên.

Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

Trên cơ sở các sáng kiến ưu tiên này, với mục tiêu thúc đẩy tài chính bền vững trong khu vực, Bộ Tài chính Việt Nam đã lựa chọn sáng kiến ưu tiên là "Tài chính bền vững trong ASEAN". Sáng kiến này nhằm khuyến khích các nước phát triển thị trường vốn bền vững. Việc lựa chọn sáng kiến này xuất phát từ giải quyết nguồn lực phát triển trong khối ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là hết sức quan trọng. Trong đó, có nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng, khắc phục biến đổi khí hậu… Trong khi nguồn lực tài chính ngân sách không thể đáp ứng hết được thì việc huy động vốn từ thị trường trong đó có khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển là hết sức cần thiết.

Thời gian qua, thị trường vốn ASEAN có những bước phát triển, tuy nhiên chưa đồng đều. Vì vậy, việc nghiên cứu chủ đề này theo Bộ Tài chính Việt Nam là nhằm mục đích đưa ra những sản phảm tài chính hiệu quả, có chuẩn mực nhằm huy động nguồn lực, đồng thời, đảm bảo tiêu chí quy định chung của khu vực.

Để thực hiện chủ đề này, Bộ Tài chính Việt Nam đã kết hợp với các nền kinh tế ASEAN và các tổ chức quốc tế nghiên cứu, đưa ra 2 báo cáo quan trọng là “Thúc đẩy tài chính bền vững trong ASEAN” và “Lộ trình phát triển phát triền bền vững thị trường vốn ASEAN”. Hai báo cáo này đã được thảo luận tại Hội nghị Thứ trưởng  và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN và đã được trình lên các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN để phê chuẩn.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, việc ra 2 báo cáo này là nền tảng quan trọng tạo ra lộ trình và trụ cột sáng kiến để cả nền kinh tế ASEAN xem xét, áp dụng và trong phát triển thị trường vốn. Thị trường vốn của Việt Nam đã hình thành 20 năm, quy mô hiện nay đạt 113% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu là khoảng 70% GDP và trái phiếu là 43% GDP. Tuy nhiên, sản phẩm chưa thực sự đa dạng, tính thanh khoản chưa cao, chuẩn mực quốc tế và khu vực cần phải áp dụng. Vì vậy, việc nghiên cứu chủ đề này không chỉ có ý nghĩa đối với các nền kinh tế ASEAN mà còn với cả Việt Nam.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng giải đáp và chia sẻ thêm với báo chí về nội dung và kết quả phiên đối thoại giữa các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN với Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Theo đó, đối thoại giữa kênh hợp tác tài chính - ngân hàng của ASEAN với Bộ Tài chính Hoa Kỳ là hoạt động đối thoại thường niên có vai trò quan trọng trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng giúp các bên điều phối chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả, góp phần đảm bảo ổn định và bền vững tài chính tại khu vực ASEAN cũng như tại Hoa Kỳ.                                                      

Tại phiên làm việc lần này, các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã cùng thảo luận với Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ về hai nội dung gồm chính sách kinh tế trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và sự minh bạch trong quản lý nợ và tài chính phát triển cơ sở hạ tầng...