Nội lực kinh tế Việt Nam – Động cơ tăng trưởng giai đoạn 2025–2030
Tại sự kiện Investor Day 2025, các chuyên gia của Dragon Capital cho rằng, nội lực – với trọng tâm là doanh nghiệp nội, tiêu dùng trong nước và năng lực công nghệ độc lập – phải trở thành trụ đỡ chiến lược nếu Việt Nam muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và bước vào giai đoạn phát triển bền vững.

Xuất khẩu mạnh không đồng nghĩa với nền kinh tế mạnh
Trong suốt ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhờ tận dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và mô hình gia công định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, những giới hạn của mô hình này ngày càng bộc lộ rõ rệt. Giai đoạn 2011–2012, dù nền kinh tế đạt mức xuất siêu đáng kể, tăng trưởng GDP chỉ dao động quanh ngưỡng 5–6%. Phần lớn giá trị gia tăng vẫn tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi khu vực kinh tế trong nước chưa tích lũy đủ nguồn lực để phát triển bền vững.
Ngay cả trong những năm xuất khẩu tăng trưởng mạnh, lên tới 35–40%, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn phải rời thị trường. Chia sẻ về thực trạng này, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc chiến lược đầu tư tại Dragon Capital – cho biết, nguyên nhân cốt lõi nằm ở việc tăng trưởng chủ yếu đến từ khu vực FDI, nơi chỉ sử dụng chưa tới 8% lực lượng lao động cả nước. Điều này dẫn đến tình trạng tăng trưởng thiếu lan tỏa, làm suy yếu khả năng tạo dựng động lực nội tại.
Ông Lê Anh Tuấn cảnh báo: “Chúng ta không thể tiếp tục dựa vào các chuỗi giá trị do nước ngoài dẫn dắt, nơi Việt Nam chỉ đóng vai trò gia công, nếu muốn bước ra khỏi bẫy thu nhập trung bình”.
Xuất khẩu vẫn là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro chiến lược.
Nội sinh - Trụ đỡ cho kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh và khó lường, năng lực thích ứng không thể chỉ dựa vào ngoại lực, mà còn phụ thuộc vào khả năng tự chủ và tự cường của nền kinh tế. Khi đó, nội lực – hay “động lực nội địa” – không còn là một khái niệm mang tính khẩu hiệu, mà là một hệ thống gồm những yếu tố có thể đo lường, vận hành và đồng thời được kích hoạt. Theo các chuyên gia Dragon Capital, hệ thống này gồm bốn thành tố: doanh nghiệp, người lao động, hộ tiêu dùng và chính quyền địa phương – một cấu trúc mang tính hệ sinh thái, nơi không mắt xích nào có thể thiếu vắng.
Ông Lê Anh Tuấn nhận định: “Nếu không có sự đồng vận của cả bốn yếu tố này, nội lực không thể hình thành nền tảng đủ mạnh để thay thế vai trò của FDI và xuất khẩu trong dài hạn.” Điều này cho thấy: nội lực không thể được tạo ra chỉ bằng tiêu dùng nội địa hay sự phát triển riêng lẻ của khu vực tư nhân, nếu thiếu liên kết, thiếu cơ chế phối hợp và thiếu các điều kiện bảo đảm về thể chế, nguồn lực và niềm tin thị trường.
Một nền tảng nội sinh vững chắc phải bắt đầu từ thị trường trong nước. Với hơn 100 triệu dân, tiêu dùng nội địa là một dư địa đáng kể, chiếm 68% GDP năm 2023. Tuy nhiên, quý I/2025 ghi nhận mức tăng trưởng tiêu dùng có phần chững lại – điều phản ánh rõ mối liên hệ giữa sức mua và các yếu tố nền tảng như thu nhập, việc làm và tâm lý tiêu dùng. Thiếu những điều kiện này, tiêu dùng khó có thể đóng vai trò động lực trung tâm.
Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân – đóng góp 42% GDP và sử dụng tới 85% lực lượng lao động – vẫn được xem là trụ cột của nền kinh tế nội địa. Tuy nhiên, khu vực này đang gặp nhiều rào cản về vốn, đất đai và công nghệ. Nếu không được tháo gỡ bằng cải cách thể chế, mở rộng thị trường vốn và cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân sẽ khó trở thành hạt nhân trong chuyển dịch tăng trưởng. Sức chống chịu không đến từ một số doanh nghiệp lớn riêng lẻ, mà phải lan tỏa trong toàn hệ sinh thái kinh tế nội địa.
Bên cạnh đó, đầu tư công có trọng tâm và đổi mới công nghệ là hai đòn bẩy then chốt. Chiến lược công nghiệp quốc gia giai đoạn 2025–2035 hiện đang tái cấu trúc theo hướng ưu tiên năm lĩnh vực: điện tử, chế tạo, quốc phòng, năng lượng và công nghệ sinh học. Đây không chỉ là định hướng ngành, mà còn là nỗ lực tạo lan tỏa, hình thành cụm công nghiệp chiến lược gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, nơi doanh nghiệp trong nước có thể nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng giữ lại.
Ở chiều ngược lại, các yếu tố bên ngoài cũng cho thấy yêu cầu tự chủ ngày càng lớn. Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ là một ví dụ: mức thuế 20% với hàng xuất khẩu từ Việt Nam thấp hơn đáng kể so với đề xuất trước đó, trong khi thuế 40% chủ yếu áp dụng cho hàng trung chuyển – tức những sản phẩm có giá trị gia tăng nội địa gần như bằng 0. Tác động thực tế không lớn, nhưng là tín hiệu rõ ràng: một nền sản xuất không có nội địa hóa đủ sâu sẽ rất dễ bị tổn thương trong môi trường toàn cầu đang chuyển sang xu hướng bảo hộ.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu đến năm 2030 – hình thành ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu – không chỉ là một chỉ tiêu định lượng, mà còn là chỉ dấu của năng lực tự chủ chiến lược. Để đạt được mục tiêu này, bốn trụ cột nội lực cần vận hành như một hệ thống đồng bộ. Chỉ một điểm nghẽn – từ thiếu vốn, chậm cải cách đến đứt gãy niềm tin – cũng có thể làm suy yếu toàn bộ cấu trúc, khiến nội lực không đủ sức trở thành điểm tựa thực sự cho giai đoạn phát triển mới.

Từ "đại bàng" đến nội sinh - Cân bằng chiến lược FDI và phát triển doanh nghiệp nội
Trong giai đoạn đầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng vai trò như “chim đầu đàn”, giúp Việt Nam tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đòi hỏi một cách tiếp cận mới mang tính chọn lọc và chiến lược hơn. Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam không thể tiếp tục thu hút FDI bằng mọi giá, mà cần “chỉ lựa chọn những nhà đầu tư mang lại giá trị lan tỏa công nghệ, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và có cam kết xây dựng chuỗi cung ứng trong nước”.
Sự dịch chuyển này đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải song hành giữa thu hút FDI chất lượng cao và củng cố nội lực kinh tế quốc gia. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp trong nước trở nên đặc biệt quan trọng. Để thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển đủ sức cạnh tranh trong một hệ sinh thái ngày càng phức tạp, Dragon Capital đề xuất ba hướng hành động ưu tiên.
Thứ nhất, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thuế quan và hải quan theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và số hóa, nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Thứ hai, xây dựng một hệ sinh thái tài chính linh hoạt hơn, với trọng tâm là phát triển các quỹ đầu tư trong nước, mở rộng cơ chế bảo lãnh tín dụng và cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ – đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.
Thứ ba, khuyến khích hình thành và mở rộng các cụm ngành sản xuất (cluster), tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất lớn, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng khả năng nội địa hóa trong chuỗi cung ứng.
Dragon Capital đánh giá, nếu chiến lược cân bằng này được thực hiện một cách bài bản và kiên định, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,5–7% mỗi năm trong giai đoạn 2025–2030 – không còn phụ thuộc đơn thuần vào FDI và xuất khẩu, mà được dẫn dắt bởi một nền tảng nội sinh vững chắc và hội nhập chủ động.
Làm thế nào để hình thanh doanh nghiệp đầu đàn?
Thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao và có khả năng hội nhập toàn cầu là một trong những điểm yếu cốt lõi của kinh tế Việt Nam hiện nay. Theo bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Phát triển thị trường vốn tại Dragon Capital, nếu không giải phóng được nguồn vốn dài hạn, đặc biệt từ thị trường trái phiếu, doanh nghiệp nội sẽ rất khó mở rộng quy mô hay vươn ra toàn cầu.
Thực tế cho thấy, việc hình thành các “doanh nghiệp đầu đàn” – những tập đoàn nội địa có đủ năng lực dẫn dắt chuỗi giá trị ngành – không chỉ là mục tiêu phát triển, mà còn là điều kiện tiên quyết để giảm phụ thuộc vào FDI và từng bước làm chủ chuỗi cung ứng. Để đạt được điều đó, cần đồng bộ ba yếu tố then chốt: thể chế, tài chính và nhân lực.
Về thể chế, cần xây dựng cơ chế đặc thù để lựa chọn và hỗ trợ một số doanh nghiệp tiềm năng phát triển thành các tập đoàn trụ cột quốc gia – tương tự mô hình Keiretsu của Nhật Bản hay Chaebol tại Hàn Quốc. Những doanh nghiệp này cần được hưởng ưu đãi chính sách tập trung, từ hỗ trợ R&D, bảo lãnh tín dụng đến hợp tác công–tư trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp sinh học.

Về tài chính, mấu chốt là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và bền vững. Điều này đòi hỏi thiết lập hệ thống xếp hạng tín nhiệm độc lập có năng lực đánh giá khách quan, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp công bố rõ ràng thông tin tài chính, kế hoạch sử dụng vốn và các rủi ro liên quan. Cùng với đó, cần triển khai cơ chế giám sát và cảnh báo rủi ro sớm để bảo vệ nhà đầu tư và củng cố lòng tin thị trường.
Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm mới nổi và đạt mức tín nhiệm quốc gia “investment grade” sẽ là bước ngoặt quan trọng giúp mở rộng quy mô huy động vốn. Theo Dragon Capital, đây là điều kiện tiên quyết để thị trường tài chính có thể đồng hành cùng doanh nghiệp nội trong quá trình hội nhập.
Yếu tố thứ ba, cũng là nền tảng nhất chính là con người. Bà Nguyệt Minh cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là kỹ sư trong các ngành mũi nhọn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, và các vị trí quản lý sản xuất cao cấp. Chương trình đào tạo phải gắn trực tiếp với nhu cầu của các dự án trọng điểm, bảo đảm khả năng ứng dụng thực tiễn, thay vì dừng ở lý thuyết.
Khi ba trụ cột này được triển khai đồng bộ – thể chế định hướng, tài chính bền vững và nhân lực chất lượng – doanh nghiệp nội mới có thể vượt ngưỡng quy mô, đầu tư chiều sâu và vươn ra quốc tế. Đây không chỉ là chiến lược hỗ trợ một nhóm doanh nghiệp, mà là đòn bẩy cho toàn bộ hệ sinh thái sản xuất quốc gia trong giai đoạn 2025–2035.
Thị trường vốn, nếu được phát triển đúng hướng, sẽ giúp doanh nghiệp thoát khỏi “vòng xoáy vay – trả ngắn hạn”, từ đó xây dựng chiến lược tăng trưởng dài hạn: mở rộng nhà máy, đầu tư công nghệ và mở cửa ra thế giới.