Lực lượng hải quan phát hiện một số vụ việc tạm nhập, tái xuất không đúng tuyến đường

Minh Anh

Thời gian qua, qua kiểm soát, siết chặt quản lý tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, lực lượng hải quan đã phát hiện một số vụ việc vi phạm với thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai, khai báo không đúng tên hàng, số lượng, trọng lượng chủng loại hàng hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Bộ Tài chính, trước tình trạng các nước siết chặt quản lý tại các cửa khẩu, khu vực biên giới nói chung, một số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất và gửi kho ngoại quan đã tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng và nhiều khu vực biên giới đường bộ các tỉnh phía Bắc.

Thực tế đã phát hiện một số vụ việc vi phạm với thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai, khai báo không đúng tên hàng, số lượng, trọng lượng chủng loại hàng hóa. Một số lô hàng là hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng, rác thải công nghiệp, hàng thực phẩm đông lạnh… có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bị thẩm lậu vào nội địa, gây mất an toàn cộng đồng.

Trước tình trạng đó, thực hiện kế hoạch kiểm soát hàng kinh doanh, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan có rủi ro cao, qua tiến hành kiểm tra, lực lượng hải quan đã phát hiện 73 container của 4 doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình tạm nhập, tái xuất và gửi kho ngoại quan, sau đó tái xuất qua các cửa khẩu biên giới đã phát hiện 71/73 container là container rỗng (không chứa hàng hóa) và chỉ 01 container là còn đầy đủ, 01 container hàng chỉ còn 2 tấn hàng.

Thời gian qua, lực lượng hải quan cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý một số vụ việc buôn lậu vật tư y tế phòng chống dịch, thuốc tân dược điều trị COVID-19. Điển hình như: Trong tháng 8 và 9/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan TP. Hà Nội phát hiện bắt giữ nhiều lô hàng là test nhanh và các loại thuốc được cho là thuốc điều trị bệnh COVID-19, bao gồm: 1.470 hộp (17 viên/hộp); 78.800 viên; 490 lọ thuốc điều trị COVID (xuất xứ: Ấn Độ); 180 bộ test COVID (xuất xứ: Trung Quốc); 220 hộp thuốc kháng Virus (xuất xứ: Nga). 

Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, thời gian tới, ngành Hải quan sẽ bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về Hải quan nói chung và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng.

Cùng với đó, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cả bề rộng và chiều sâu về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.

Đồng thời, trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022...