ADB: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ là chìa khoá phục hồi hậu Covid-19

Theo D.A/thoibaokinhdoanh.vn

Tăng cường tính năng động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bằng sự đổi mới và quốc tế hóa sẽ là nhân tố then chốt đối với việc phục hồi các nền kinh tế Đông Nam Á bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19), theo nhận định trong một báo cáo mới công bố hôm nay (22/10) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ của các Chính phủ, bởi họ là chìa khoá quan trọng để hồi phục kinh tế thời kỳ hậu Covid-199.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ của các Chính phủ, bởi họ là chìa khoá quan trọng để hồi phục kinh tế thời kỳ hậu Covid-199.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNVVN) là một động lực then chốt trong các nền kinh tế Đông Nam Á, chiếm trung bình 97% số doanh nghiệp và 69% lực lượng lao động quốc gia trong giai đoạn từ năm 2010 tới 2019. Họ đã đóng góp trung bình 41% tổng sản phẩm quốc nội trong cùng thời kỳ.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada cho biết, những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các nền kinh tế Đông Nam Á chủ yếu dựa vào thị trường trong nước và tinh thần kinh doanh của họ vẫn chưa đạt mức tối ưu. Hỗ trợ sự phát triển của DNVVN, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ góp phần vào tăng trưởng đồng đều và hỗ trợ những nỗ lực phục hồi từ Covid-19.

"Chúng tôi tự tin rằng báo cáo mới này – Báo cáo Giám sát Doanh nghiệp vừa và nhỏ Châu Á (ASM) 2020, trong đó cung cấp một tập hợp dữ liệu và phân tích phong phú về sự phát triển của các DNVVN tại Đông Nam Á trước khi có đại dịch Covid-19 sẽ trở thành tiêu chuẩn đối sánh để giúp thiết kế hoạt động hỗ trợ khả thi của chính phủ cho các DNVVN trong bối cảnh bình thường mới tại khu vực”.Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhấn mạnh.

Tập 1 của báo cáo ASM 2020, được công bố hôm nay tại buổi lễ trực tuyến có sự tham dự của Phó Chủ tịch ADB chuyên trách Quản lý tri thức và Phát triển bền vững Bambang Susantono, trình bày một đánh giá chi tiết về các vấn đề tài chính và phi tài chính mà các DNVVN ở Đông Nam Á đang phải đối mặt, ở cả cấp độ  quốc gia và khu vực. Nó cũng phân tích những chính sách và quy định xung quanh sự phát triển của các DNVVN và việc tiếp cận tài chính của họ tại từng quốc gia trong Đông Nam Á.

Những phát hiện chính trong tập 2 của báo cáo sẽ được công bố ngày 28/10, đánh giá tác động của Covid-19 đối với các DNVVN ở In-đô-nê-xia, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Phi-líp-pin và Thái Lan dựa trên các cuộc khảo sát nhanh được thực hiện từ tháng 3 tới tháng 5 năm nay. Những thách thức đối với các DNVVN trong khu vực đã gia tăng thêm do Covid-19, với nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ của các DNVVN giảm sút kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này đã dẫn tới việc sa thải bớt nhân viên, giảm quy mô hoạt động của doanh nghiệp, và một triển vọng u ám cho ngành. Báo cáo này tìm hiểu những cách tiếp cận chính sách có thể giúp hỗ trợ các DNVVN trong và sau đại dịch.

Hai tập còn lại của báo cáo ASM 2020 sẽ được công bố vào cuối năm 2020. Chúng bao gồm một chương chủ đề phân tích tác động của các khoản vay dựa trên công nghệ tài chính đối với các lái xe ba bánh ở Phi-líp-pin; và một phần đánh giá kỹ thuật trong đó sẽ trình bày Chỉ số Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ mới của ADB.  

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.