Agribank tăng trưởng tín dụng, đi đôi với chất lượng tín dụng

Trương Thu Hương

Là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam, Agribank luôn tiên phong cung cấp nguồn vốn đầu tư hiệu quả cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, với tổng dư nợ tín dụng gần 1,3 triệu tỷ đồng và trên 20 triệu khách hàng trong và ngoài nước.

Thời gian qua Agribank luôn tiên phong cung cấp nguồn vốn đầu tư hiệu quả cho nền kinh tế. Nguồn: Agribank
Thời gian qua Agribank luôn tiên phong cung cấp nguồn vốn đầu tư hiệu quả cho nền kinh tế. Nguồn: Agribank

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế

Góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định tiền tệ, thời gian qua Agribank luôn tiên phong cung cấp nguồn vốn đầu tư hiệu quả cho nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng đi đôi với bảo đảm chất lượng, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Song hành cùng với đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, Agribank đang từng bước hoàn thiện quản trị rủi ro theo mô hình ngân hàng hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế; ban hành các quy định, xây dựng các hạn mức cấp tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, đối tượng khách hàng… trong hệ thống theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN.

Trong 5 năm qua (2016-2020), Agribank đã giải ngân trên 6,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.

Riêng trong năm 2020, cho vay ngành Thương mại, dịch vụ tại Agribank tăng trưởng cao nhất, chiếm 50% tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống Agribank; Ngành Nông, lâm, thủy hải sản tiếp tục tăng trưởng ổn định với mức tăng 7,1%; Cho vay phát triển các ngành Nông nghiệp và sản xuất khu vực nông thôn tiếp tục tăng trưởng ổn định, với dư nợ đạt trên 840 nghìn tỷ đồng. Chất lượng tín dụng ngày càng cải thiện, nợ xấu được kiểm soát.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tăng trưởng chậm, kinh tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng lớn bởi lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung, Tây Nguyên, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn - lĩnh vực đầu tư chính của Agribank.

Để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Agribank đã có nhiều giải pháp trong hoạt động tín dụng để hỗ trợ khách hàng như: miễn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo đó, Agribank đã 07 lần giảm lãi suất cho vay, 09 lần giảm phí dịch vụ…; ban hành gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Cùng với đó, Agribank tiếp tục tập trung nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, phát triển bền vững.

Thực tiễn cho thấy, nguồn vốn tín dụng Agribank hiện nay đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với việc đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, hàng năm dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng ưu tiên, Agriank tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò thúc đẩy, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Hoàn thiện quản trị rủi ro theo mô hình ngân hàng hiện đại

Song hành cùng với đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, Agribank đang từng bước hoàn thiện quản trị rủi ro theo mô hình ngân hàng hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế; ban hành các quy định, xây dựng các hạn mức cấp tín dụng theo ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, đối tượng khách hàng… trong hệ thống theo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao thường xuyên được các đơn vị trong hệ thống Agribank kiểm soát chặt chẽ, cho nên dư nợ cho vay của Agribank chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu dư nợ, cụ thể như: Dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản chỉ chiếm 1,4% dư nợ Agribank cho vay nền kinh tế.

Triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2021, ngay từ những tháng đầu năm, Agribank đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Theo đó, tăng cường kiểm soát cho vay chứng khoán, cho vay bất động sản; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc thẩm định cấp tín dụng; Phân tích, dự báo cung cầu trên thị trường, ưu tiên đầu tư các dự án có phân khúc khách hàng lớn gắn với nhu cầu thực tế lớn (như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại) có đầy đủ pháp lý, chủ đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm; Hạn chế cấp tín dụng đối với các dự án thuộc phân khúc bất động sản cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; Thận trọng trong định giá tài sản bảo đảm là bất động sản tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, có hiện tượng bong bóng bất động sản…

Để tiếp tục giữ vững vị thế và khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế; là ngân hàng thương mại có sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả cao, phát triển an toàn, ổn định và bền vững, nâng cao uy tín của Agribank trên thị trường trong nước và quốc tế, Ban Lãnh đạo của Agribank tiếp tục khẳng định quan điểm điều hành tăng trưởng tín dụng đi đôi với bảo đảm chất lượng, tập trung đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hướng tới xây dựng ngân hàng hiện đại gắn với đổi mới mô hình ngân hàng số; hoạt động an toàn, hiệu quả; giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng cùng ngành Ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021