Ai sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch FED?
Theo kế hoạch, vào ngày 2/11 tới, Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đề cử lên Thượng viện nhân vật sẽ đảm nhiệm chiếc ghế Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) thay cho bà Janet Yellen sẽ rời nhiệm sở vào tháng 2 năm tới. Điều đáng nói là, hiện có tới 5 gương mặt tiềm năng nhưng không ai trong số đó hội tủ đủ mọi yếu tố cần thiết.
Tái bổ nhiệm Janet Yellen - luật bất thành văn
Kịch bản khả thi đầu tiên là Janet Yellen sẽ kế nhiệm chính mình. Mặc dù bà Yellen do Tổng thống Obama, một thành viên đảng Dân chủ bổ nhiệm, nhưng có một “truyền thống” đối với vị trí này: Chủ tịch FED sẽ luôn được tái bổ nhiệm bất chấp việc người đó từng được bổ nhiệm bởi một Tổng thống đến từ đảng đối lập với đảng của Tổng thống đương nhiệm. Cựu Tổng thống Obama đã làm thế với Ben Bernanke, cựu Tổng thống Bill Clinton làm điều tương tự với Alan Greenspan, và cựu Tổng thống Ronald Reagan cũng tin dùng Paul Volcker.
Luật bất thành văn này đã giúp cho FED - cơ quan có quyền lực khổng lồ đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ cũng như thế giới, được “cách ly” đôi chút với chính trị. Nhưng đó chỉ là luật bất thành văn, không ai có thể bắt buộc ông Donald Trump phải làm theo điều đó và không ai biết chắc, một Tổng thống khó đoán và ưa làm điều khác biệt như ông Donald Trump sẽ tiếp tục truyền thống này.
Trên thực tế, bà Yellen đã có những đóng góp đáng kể trong suốt 4 năm làm Chủ tịch FED. Mặc dù không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nào, nhưng bà đã giúp duy trì đà phục hồi ổn định của nền kinh tế Mỹ từ cuộc suy thoái 2007-2009. Giống như người tiền nhiệm Bernanke, bà đã sử dụng linh hoạt các công cụ của FED. Bà đã thận trọng trong việc tăng lãi suất dù kinh tế Mỹ dường như đang tiến về mức hầu như ai cũng có việc làm.
Các con số thống kê của nền kinh tế Mỹ dường như cũng ủng hộ bà. Khi bà mới được bổ nhiệm làm thành viên của FED năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 9,9%. Khi bà giữ chức Chủ tịch, tỷ lệ này giảm còn 6,7%. Sau 4 năm dưới sự điều hành của bà, tỷ lệ hiện còn 4,2%. Mặc dù một số phàn nàn tỷ lệ lạm phát vẫn chưa đạt được mục tiêu 2%, nhưng việc bà vừa bảo đảm được tỷ lệ thất nghiệp thấp vừa giữ được lạm phát thấp đã được xem như “thiên đường” của kinh tế vĩ mô.
Sau khi chỉ trích bà Yellen trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump cũng đã có một vài lời tốt đẹp dành cho bà khi thừa nhận “bà ấy đã làm tốt” hồi tháng 7 vừa qua. Đối với nhà lãnh đạo Cộng hòa hiện nay, trong bối cảnh ông cần đạt được nhiều thỏa thuận với phe Dân chủ, việc tái bổ nhiệm bà Yellen có thể được nhìn nhận như một cử chỉ thiện chí.
Jerome Powell - nhân vật dễ thỏa hiệp
Ứng cử viên tiềm năng thứ hai cho chiếc ghế Chủ tịch FED là Jerome Powell, người đã từng là thành viên Hội đồng Thống đốc FED trong 5 năm. Powell có thể là một sự thỏa hiệp tốt cho các nhà hoạch định chính sách. Một mặt, ông ủng hộ chiến lược của Yellen, từ các chính sách nới lỏng lãi suất cho đến những bước đi gần đây của bà nhằm siết chặt cung tiền. Mặt khác, ông là một đảng viên Cộng hòa lâu năm với nền tảng tài chính kỳ cựu.
Nhưng Powell có thể sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi vì ông không được đào tạo bài bản về chuyên môn như là một nhà kinh tế học. Chắc chắn, một người đứng đầu ngân hàng trung ương lại không có bằng tiến sỹ kinh tế sẽ phải chật vật chứng tỏ bản thân trước một hệ thống nhân viên giỏi giang, thông thạo các mô hình và thuật ngữ của kinh tế học thuật. Với điều này, học hàm tiến sĩ kinh tế luôn được xem như là một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ ai muốn ngồi vào vị trí Chủ tịch FED.
Kevin Warsh - người của đảng Cộng hòa
Ứng cử viên tiềm năng thứ ba là Kevin Warsh. Giống như Jerome Powell, ông từng là một trong số thống đốc của Ủy ban Thống đốc FED giai đoạn 2006-2011; và mặc dù hiện là giảng viên xuất sắc tại Hoover Institution của Đại học Stanford, ông chỉ có bằng luật chứ không có bằng cao cấp nào về kinh tế học. Nhưng những điểm tương đồng giữa ông và Powell chỉ dừng lại ở đây.
Warsh, giống như nhiều thành viên Cộng hòa, đã chỉ trích mạnh mẽ những nỗ lực của FED nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông nhiều lần cảnh báo rằng việc mở rộng chưa từng có tiền tệ các chương trình nới lỏng định lượng sẽ gây ra lạm phát cao. Theo đánh giá, ông có triết lý điều hành tương đồng hơn với bộ máy của ông Donald Trump.
Tuy nhiên, nếu được đề cử, ông sẽ vấp phải phản ứng dữ dội từ Đảng Dân chủ, vốn cho rằng nhân vật 47 tuổi này là “chưa đủ tiêu chuẩn” cũng như dính dáng công khai đến chính trị, không phù hợp với truyền thống của một vị Chủ tịch FED.
Chuyện gì đã xảy ra với Gary Cohn?
Cách đây không lâu, Gary Cohn, người đứng đầu Hội đồng kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, có vẻ nổi lên là ứng viên hàng đầu cho vị trí Chủ tịch FED. Hồi cuối tháng 7, khả năng ông giành chiến thắng là 46%, song hiện chỉ còn 12%.
Là nhân vật số 2 tại Goldman Sachs, ông Cohn được cho là đã có xung đột với ông Donald Trump sau khi chỉ trích phản ứng của Tổng thống về vụ bạo lực liên quan đến sắc tộc ở Charlottesville. Tuy nhiên, trước đó đã có những nghi ngờ về khả năng ông Cohn được chọn bởi phong cách của ông bị đánh giá là khá “hung hăng”, không phù hợp với một cơ quan được quản lý theo cách “học thuật” như FED. Doanh nhân gần đây nhất từng trở thành Chủ tịch Fed là G. William Miller, được cựu Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm và chỉ trụ được vỏn vẹn 18 tháng.
Hơn nữa, xét về lý lịch thì sự đề cử dành cho ông Cohn chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc chiến dữ dội. Phe Dân chủ sẽ không chấp nhận một nhân vật hàng đầu của Goldman Sachs ngồi vào vị trí lãnh đạo cơ quan tài chính quyền lực nhất quốc gia (và có lẽ là nhất thế giới), điều không bảo đảm tính bảo mật và tính độc lập.
Nhân tố khó đoán định
Vẫn còn những gương mặt tiềm năng khác nhưng yếu tố quan trọng ở đây là sự khó đoán của Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc tìm kiếm cho vị trí ngoại trưởng, ông đã xem xét nhiều nhân vật nổi bật nhưng cuối cùng lại chọn Rex Tillerson, CEO của Exxon, dù nhân vật này ban đầu không nằm trong danh sách tiềm năng. Điều tương tự có thể lặp lại với vị trí Chủ tịch FED sắp tới.