Fed vẫn lo ngại lạm phát tăng thấp
Ngày 11/10/2017, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 9 (diễn ra trong hai ngày 19-20/9/20117) với nội dung được dư luận quan tâm là, Fed ngày càng thận trọng trong việc ấn định thời điểm tăng lãi suất trong thời gian tới do lạm phát có xu hướng tăng thấp.
Biên bản cho thấy, các quan chức Fed đã dành nhiều thời gian để thảo luận về triển vọng lạm phát và nhận định, lạm phát tăng thấp sẽ buộc Fed phải lùi lại lộ trình tăng lãi suất. Nhiều thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) bày tỏ lo ngại, lạm phát tăng thấp trong năm nay không chỉ phản ánh tác động của những yếu tố tạm thời, mà còn phản ánh tác động của xu hướng phát triển dài hạn. Điều này đòi hỏi phải kiên nhẫn và chỉ nên rút dần chính sách tiền tệ nới lỏng khi lạm phát tăng rõ rệt và bền vững.
Các thành viên FOMC tán thành quan điểm cho rằng, thời điểm và quy mô lãi suất trong đợt điều chỉnh tới đây sẽ tùy thuộc vào kết quả đánh giá tình hình kinh tế thực tế và kỳ vọng, có đối chiếu với mục tiêu lạm phát 2,0% và tối đa hóa việc làm cho người lao động. Điều này cũng tùy thuộc vào một số yếu tố bất định, có thể tác động đến triển vọng GDP, lạm phát và thất nghiệp trong thời gian tới.
Các quan chức Fed kỳ vọng, tình hình kinh tế sẽ tiến triển lạc quan, đảm bảo cho kế hoạch tăng dần các mức lãi suất chính sách, nhưng mức lãi suất thấp sẽ được duy trì thêm một thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, các quan chức khẳng định là cần theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát thực tế và kỳ vọng, phù hợp với mục tiêu lạm phát cân đối.
Biên bản cho thấy, lạm phát cơ bản (tính theo mức chi tiêu dùng cá nhân - PCE) trung bình được dự báo tăng 1,6% trong năm nay và tăng 1,9% trong năm 2018, sau đó chạm ngưỡng 2,0% vào năm 2019-2020, thay đổi không đáng kể so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2017. Trong đó, đa số thành viên kỳ vọng, lạm phát sẽ tăng dưới ngưỡng 2,0% trong năm 2018, và không thành viên nào cho rằng lạm phát đạt mức 2,0%.
Trong năm 2017, dự báo GDP không thay đổi nhiều so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2017. Theo kết quả dự báo trung bình, GDP thực tế sẽ tăng 2,4% trong năm 2017 và tăng khoảng 2,0% trong năm 2018-2019, giảm nhẹ xuống mức tăng 1,8% vào năm 2020 và ổn định ở mức tăng trưởng này trong dài hạn.
Dự báo trung bình cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong quý IV/2017 là 4,3%, không thay đổi so với dự báo tháng 6/2017, và thấp hơn 0,3% so với tỷ lệ thất nghiệp trong dài hạn (dự báo ở mức 4,6%). Trong giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn ngưỡng 4,0% một chút.
Một số quan chức cho rằng, Fed cần tập trung vào dữ liệu lạm phát trong những tháng tới đây, trước khi quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều quan chức vẫn giữ quan điểm cho rằng, tình hình kinh tế đã hội đủ điều kiện đảm bảo cho Fed tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Chủ tịch Janet Yellen cũng tái khẳng định, xu hướng lạm phát không rõ ràng, giảm thấp trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, bà Yellen và một số quan chức Fed kỳ vọng, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất theo lộ trình từng bước, nếu kinh tế tăng trưởng vững chắc và có thể bắt đầu thắt chặt thị trường lao động.
Đa số thành viên Fed lo ngại, lạm phát lõi không dễ phục hồi trong thời gian ngắn, nhưng không vì thế mà trì hoãn lộ trình tăng lãi suất, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp. Một vài ý kiến cho rằng, lạm phát thấp không phải là vấn đề, do GDP đang tăng cao và nền kinh tế đang ở trạng thái toàn dụng lao động. Tương tự, quan chức Fed đến từ San Francisco - John Williams cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ đưa lạm phát tiến gần mục tiêu do Fed đề ra.
Biên bản cho thấy, một số quan chức Fed lưu ý, việc đánh giá diễn biến lạm phát trong vài tháng tới có thể sẽ rất phức tạp do chi phí năng lượng tăng tạm thời và giá cả những mặt hàng khác vốn bị rối loạn do tác động của các cơn bão. Các quan chức Fed cũng tỏ ra nghi ngờ về dữ liệu việc làm, khi báo cáo việc làm trong tháng 9 cho thấy số việc làm mới giảm do tác động của cơn bão Harvey và Irma. Đồng thời cho rằng, những cơn bão vừa qua không tác động lớn đến nền kinh tế trong trung hạn.
Báo cáo tóm tắt về việc làm và thu nhập cho thấy, thị trường lao động thắt chặt một bước đã góp phần cải thiện tiền lương. Trong tháng 9/2017, mức lương trung bình tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2%, mức thấp nhất trong gần 17 năm qua, và thấp hơn dự báo trung bình của các quan chức về tỷ lệ thất nghiệp trong quý IV/2017 tới đây.
Điều này có thể thôi thúc các nhà tạo lập chính sách khi đưa ra dự báo, thị trường lao động thắt chặt sẽ nhanh chóng thúc đẩy thu nhập. Đa số các đại biểu kỳ vọng, mức lương sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi thị trường lao động ngày càng được củng cố. Một số ý kiến tỏ ra thận trọng, mức lương có thể đã bắt đầu tăng tốc và mở rộng.
Ngay sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp, thị trường chứng khoán tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới phủ đầy sắc xanh. Nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Phố Wall tăng kỷ lục, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/10 ở mức 22.872,89 điểm, tăng 42,21 điểm (0,18%) so với phiên giao dịch trước; chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức 2.555,24 điểm, tăng 4,6 điểm (0,18%); chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa ở mức 6.603,55 điểm, tăng 16,3 điểm (0,25%). Riêng lãi suất trái phiếu chỉ tăng nhẹ, do nhu cầu về trái phiếu kho bạc tăng vững, nhất là trái phiếu kỳ hạn 3 năm và kỳ hạn 10 năm.
Khả năng Fed chưa tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay cũng khiến USD tiếp tục trượt giá, chỉ số USD trên thị trường Phố Wall giảm tới 0,35%. Đáng chú ý, euro tăng 0,4% so với USD lên 1,1857 USD, mức giá cao nhất trong hai tuần lễ qua, phần nào phản ánh tác động tích cực của sự kiện Catalonia đối với các thị trường tài chính toàn cầu, mặc dù gây thất vọng cho những người ủng hộ nỗ lực tách khu tự trị này khỏi Tây Ban Nha.
USD giảm cũng khiến dầu tăng giá, nhưng chỉ nhích nhẹ do sản lượng dầu trong tháng 9/2017 tại Arập Xê út tăng cao hơn so với tháng trước. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, dầu thô Brent tăng 0,09% lên 56,66 USD/thùng, dầu ngọt WTI tăng 0,2% lên 51,02 USD/thùng. Tuy nhiên, giá vàng giao ngay tăng tương ứng thêm 0,3% lên 1.291,7 USD/oz.
Trong khi các thị trường tập trung mối quan tâm vào khả năng Fed có tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay hay không, lộ trình tăng lãi suất trong năm 2018 vẫn là chủ đề tranh cãi, phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài sản của Fed và tình hình thanh khoản trên thị trường nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu.
Do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng tiếp tục được duy trì, giá cổ phiếu tại Nhật Bản cũng tăng cao. Ngoài ra, việc bổ nhiệm nhân sự mới tại Fed cũng là mối quan tâm, sau buổi gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump với chuyên gia kinh tế John Taylor đến từ Đại học tổng hợp Stanford, một ứng cử viên đang được Tổng thống Donald cân nhắc sẽ giữ chức Chủ tịch Fed từ đầu năm 2018 tới đây.