AIPA, COVID-19 và nền kinh tế số
Với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025”, Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 (AIPA 42) chính thức khai mạc sáng nay (ngày 23/8) theo hình thức trực tuyến.
Diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng đến phần lớn các nước trong khu vực, nghị trình làm việc của AIPA 42 lựa chọn các vấn đề chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số làm trọng tâm.
Ưu tiên thảo luận gồm vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc làm cho phụ nữ dựa vào nền kinh tế kỹ thuật số; và các vấn đề an ninh mạng, an toàn dữ liệu cho chuyển đổi số. Đây vừa là những vấn đề mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa đặt nền móng cho sự phát triển nhanh và bền vững, hướng tới Cộng đồng ASEAN thịnh vượng trong một tương lai không xa.
Thế kỷ XXI được nhận diện là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương, khu vực sở hữu lượng dân số khổng lồ và trẻ, dồi dào nguồn lực và tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế, cởi mở và năng động - những điều kiện lý tưởng nhất cho sự bùng nổ của công nghệ và dịch vụ số. Và, trung tâm của châu Á - thị trường trọng tâm, động lực mới của tăng trưởng kinh tế số - chính là ASEAN.
Nhờ sự bùng nổ của công nghệ số, với gia tăng kết nối internet, sự phổ biến rộng rãi của điện thoại thông minh và mạng xã hội, kinh tế số Đông Nam Á đã và đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Quy mô khu vực kinh tế này đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company.
Trong đó, thương mại điện tử nổi lên như điểm sáng, tăng 63% đạt 62 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng, đạt 172 tỷ USD vào năm 2025. Với 400 triệu người “online” năm 2020, tương đương 70% dân số, Đông Nam Á được đánh giá là thị trường internet tăng trưởng nhanh nhất thế giới về lượng người dùng (11%).
Nắm lấy các cơ hội mà nền kinh tế số mang lại vì thế trở thành yêu cầu bắt buộc của các quốc gia Đông Nam Á. Đại dịch COVID, với khả năng các quốc gia phải “sống chung với virus”, tạo áp lực tăng tốc tiến trình này. Hành trình ASEAN tiến bước nhanh hơn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một cộng đồng thịnh vượng, do đó chắc chắn phải coi công nghệ số như động lực trung tâm.
Để thành công trong chuyển đổi số của ASEAN, các nghị sĩ, nghị viện sẽ phải đóng vai trò trung tâm. Vai trò đó trước hết nằm ở việc xây dựng và tạo lập các khung khổ pháp lý mới mang tính khuyến khích và trở thành động lực cho nền kinh tế số. Rõ ràng, đây là những thách thức to lớn cho AIPA.
Một mặt, nhiệm vụ này đòi hỏi những tư duy chính sách, tư duy pháp lý và cách tiếp cận chưa từng có tiền lệ cho các vấn đề pháp lý hóc búa như tài sản số; dữ liệu số, dòng chảy thương mại số. Mặt khác, kỹ thuật số mang bản chất xuyên quốc gia, vì vậy nền tảng pháp lý riêng rẽ của từng nước có thể không đủ hiệu quả để giải quyết các vấn đề xuyên biên giới. Thực tế ấy đòi hỏi các nhà lập pháp phải kiến tạo những hệ thống pháp lý chung mang tính khu vực và rộng hơn là toàn cầu.
Một hệ thống mới đầy phức tạp như vậy thực sự là bài toán hóc búa, mà để giải được thì “phát triển quan hệ hợp tác nghị viện ASEAN” là yêu cầu bắt buộc. Cơ chế liên nghị viện như AIPA do đó càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hướng tới xây dựng các khung khổ pháp lý và thể chế thực thi liên quan quốc gia, áp dụng hiệu quả được cho toàn khu vực.
AIPA 42 nhóm họp trong bối cảnh khó khăn chưa từng có của khu vực Đông Nam Á nhưng cũng vì thế mang trọng trách lớn lao khi tìm hướng đi bền vững cho tương lai của toàn khu vực.