An Giang nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
An Giang là địa phương rất tích cực trong việc triển khai mục tiêu nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Hội thảo Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh An Giang đến năm 2030” vừa được tỉnh An Giang phối hợp Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tổ chức, đại diện lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết, việc triển khai các mục tiêu, nội dung Quyết định 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 đã được Tỉnh nghiêm túc triển khai.
Theo đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND Tỉnh cụ thể hóa Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; giao Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng đổi mới năng suất trên nền tảng khoa học - công nghệ; Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng suất...
Ngoài ra, Tỉnh cũng sẽ xây dựng bộ tiêu chí đo lường năng suất 2 ngành hàng chủ lực (thủy sản, dệt may) và chỉ định 1 đề tài xây dựng cơ sở dữ liệu về nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ.
Liên quan đến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, trước đó, cuối năm 2021, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 573/KH-UBND phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ theo Kế hoạch bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang. Ưu tiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ chủ lực, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tại các địa phương.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, các tổ chức đánh giá sự phù hợp trên địa bàn tỉnh An Giang nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Kế hoạch góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh An Giang.
Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tập trung nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đặt ra mục tiêu đào tạo 5 chuyên gia về năng suất chất lượng, đạt tiêu chuẩn chuyên gia năng suất theo tiêu chuẩn quy định; hỗ trợ xây dựng và áp dụng tối thiểu 12 hệ thống quản lý tiên tiến cho các doanh nghiệp: Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001); hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (ISO 45001), thực hành nông nghiệp tốt (GAP), …
Hỗ trợ áp dụng tối thiểu 15 công cụ nâng cao năng suất chất lượng như: 5S, Kaizen, chỉ số hoạt động chính (KPI), quản lý chất lượng toàn diện (TQM), duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM), nhóm kiểm soát chất lượng (QCC)... Hỗ trợ tối thiểu 25 doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số mã vạch và hỗ trợ tối thiểu 08 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá.
Trên cơ sở các nội dung đã thực hiện giai đoạn 2021-2025, giai đoạn đến 2030, sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua việc áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất chất lượng; với các chỉ tiêu được xác định dựa trên nhu cầu khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.