An ninh lương thực lại "nóng"

Hồng Vân

(Tài chính) Giá lương thực thế giới tăng mạnh trở lại trong những tháng gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về việc xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực mới.

Giá lương thực tăng mạnh

Theo báo cáo công bố ngày 4/10/2012 của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực, thực phẩm FAO trong tháng 9/2012 đã lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, đạt mức 216 điểm, tăng 3 điểm, tương đương 1,4% so với tháng 8. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm FAO là chỉ số đo lường mức độ thay đổi về giá hàng tháng của 55 loại lương thực thực phẩm trên thế giới, được tính bằng trung bình của 5 chỉ số chính bao gồm ngũ cốc, dầu ăn/chất béo, các loại thịt, đường và sữa. Mức điểm ghi nhận trong tháng 8/2012 tuy vẫn thấp hơn 22 điểm so với mức đỉnh vào tháng 2/2011 (khủng hoảng lương thực toàn cầu từ năm 2008 đã lên đến đỉnh điểm, giá cả các nhu yếu phẩm tăng cao chót vót dẫn đến các cuộc nổi dậy "Mùa xuân Ả-rập" tại nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi) nhưng điểm đáng nói là chỉ số giá lương thực FAO đã tăng trong 3 tháng gần đây và có xu hướng sẽ tiếp tục tăng.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo "Giám sát giá lương thực" công bố hồi tháng 8/2012 cũng đã cảnh báo tình trạng giá lương thực đang tăng nhanh trở lại, nhất là trong tháng 7. Theo WB, giá ngô và lúa mỳ đã tăng 25% và giá đậu tương tăng 17% - mức tăng kỷ lục kể từ hồi tháng 6/2008. Tính chung, chỉ riêng trong tháng 7, giá lương thực toàn cầu đã tăng 10%.

Giá lương thực thế giới gia tăng trong thời gian gần đây chủ yếu là do sản lượng ngũ cốc giảm bởi hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 50 năm qua tại Mỹ (đẩy giá đậu nành và ngũ cốc lên cao), tình trạng khô hạn diễn ra ở Nga, Đông Âu, Trung Á và do giá nhiên liệu thế giới leo thang. Ngoài ra, việc Mỹ - một trong những vựa ngô lớn nhất thế giới, tăng lượng ngô sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Theo dự báo của FAO, sản lượng thu hoạch ngũ cốc toàn cầu năm nay sẽ đạt 2.286 triệu tấn, tương đương giảm 2,6% so với sản lượng của năm ngoái. Trước những hậu quả của việc biến đổi khí hậu và tình trạng thời tiết cực đoan như hạn hán và bão lụt, tổ chức chống nghèo đói Oxfam cho rằng, trong vòng hai thập kỷ tới, giá lương thực thiết yếu có thể tăng gấp đôi.

                                    Chỉ số giá lương thực FAO

An ninh lương thực lại "nóng" - Ảnh 1

Những hệ lụy

Giá lương thực toàn cầu tăng cao đã thổi bùng lên mối lo ngại về việc xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực tương tự như năm 2007-2008. Khi đó, giá gạo thế giới đã tăng vọt gấp 3 lần và theo WB, cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 đã khiến cho gần 100 triệu người trên thế giới bị đói ăn. Cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới cũng có thể khiến cho từ 44 đến 100 triệu người lâm vào tình cảnh thiếu ăn, nếu thế giới không có phản ứng kịp thời.

Trên thực tế, tình hình thiếu lương thực ở Đông Phi đã đến mức báo động khi ngô là lương thực chủ yếu đối với hàng trăm triệu người ở Kenya, Uganda và Somalia. Còn tại châu Á, theo đánh giá của các chuyên gia, các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ - hai nước có dân số đông nhất thế giới. Ngoài ra, hầu hết các nước Mỹ Latinh cũng sẽ bị ảnh hưởng do đợt tăng giá lương thực này.

Biện pháp đối phó

Trước tình trạng trên, Pháp đã chuẩn bị một số đề xuất với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), nhằm thảo luận các biện pháp bình ổn giá lương thực, trong đó có việc phát triển các kho dự trữ chiến lược và ngăn chặn việc gia tăng sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây lương thực.

Các chuyên gia của FAO cũng cho rằng hiện tại cộng đồng quốc tế cần phải làm mọi cách để giảm giá lương thực; phải cải tiến mạnh khâu canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi để nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm bớt căng thẳng an ninh lương thực là các nước xuất khẩu lương thực không được "găm hàng", mở rộng mọi kênh xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đồng thời mọi người phải tiết kiệm trong sử dụng lương thực.