Ẩn số nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines

Thu Hằng - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) cho biết đã chốt thời điểm bán đấu giá 49 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 14/11. Vậy còn 20% cổ phần chiến lược sẽ được bán cho đối tác nước ngoài nào, hiện vẫn là ẩn số?

Ẩn số nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam là nòng cốt của lực lượng vận tải hàng không Việt Nam. Nguồn: internet

Trong 2 ngày (30, 31/10), tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, VNA đã tổ chức chương trình Roadshow giới thiệu về kế hoạch cổ phần hóa (CPH), bán đấu giá cổ phần lần đầu qua Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. 

Đây là thương vụ IPO lớn nhất năm 2014 và đánh dấu sự “mở cửa” cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia đầu tư, khai thác lĩnh vực hàng không tại Việt Nam mà lâu nay, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gần như nắm độc quyền. 

Chọn một hãng hàng không “ngoại”

Với quy mô vốn điều lệ sau CPH là 14.101,8 tỷ đồng (tương ứng 1.410,18 triệu cổ phần), đại diện VNA cho biết Nhà nước sẽ nắm giữ 75% để bảo đảm tỷ lệ chi phối. Còn 20% cổ phần được bán cho nhà đầu tư (NĐT) chiến lược nước ngoài, bán 3,475% qua đấu giá công khai cho NĐT thông thường (ngày 14/11 tới với mức giá chào bán 22.300 đồng/cổ phiếu). Số còn lại bán cho tổ chức công đoàn, người lao động… 

Tổng số tiền thu về từ CPH dự kiến là 7.754,5 tỷ đồng. Cuối quý I/2015 sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông lần 1 để thông qua các vấn đề quan trọng, như Điều lệ, tổ chức hoạt động, bổ nhiệm nhân sự cấp cao, kế hoạch kinh doanh...

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, từ nay đến năm 2020 và 2030, Chính phủ sẽ tiếp tục giữ định hướng phát triển VNA là nòng cốt của lực lượng vận tải hàng không Việt Nam, có tầm cỡ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hãng hàng không quốc gia sẽ có bản sắc, có năng lực cạnh tranh, kinh doanh hiệu quả… 

Để thực hiện mục tiêu lớn này, VNA được phép lựa chọn 3 NĐT nước ngoài làm cổ đông chiến lược. Từ tháng 9 vừa qua, Tổng Công ty đã xúc tiến tìm kiếm, lựa chọn NĐT chiến lược song song với việc tổ chức IPO. Hiện, danh tính các tập đoàn, hãng hàng không nước ngoài, tổ chức tài chính nào đang tìm hiểu, đặt vấn đề mua cổ phần VNA vẫn chưa được tiết lộ. 

Theo phương án CPH, về nguyên tắc, cổ đông chiến lược có thể là một tập đoàn hàng không và/hoặc là NĐT tài chính. Nhưng VNA sẽ ưu tiên lựa chọn cổ đông chiến lược là một tập đoàn/hãng hàng không nước ngoài và ưu tiên đàm phán trước, sau đó mới đến các NĐT tài chính.

Được biết, hiện nay VNA đang có quan hệ hợp tác với 17 hãng hàng không lớn trên thế giới. Trong đó, có 7 đối tác thân thiết trong liên minh SkyTeam, bao gồm: Air France, Czech Airlines, Alitalia, Korean Air, China Southern Airlines, Royal Dutch Airlines, Delta Air Lines. Có khả năng, một trong các đối tác “ruột” này sẽ trở thành cổ đông chiến lược của VNA. 

Tiêu chí chung của 2 NĐT chiến lược là phải có vốn chủ sở hữu và tổng tài sản tương đương 4 tỷ USD, chưa là cổ đông chiến lược của hãng hàng không nào tại Việt Nam, cam kết đầu tư dài hạn tối thiểu 5 năm. Và, tập đoàn/ hãng hàng không nước ngoài phải đáp ứng thêm bộ tiêu chí riêng. Trên cơ sở này, Tổng Công ty sẽ tổ chức triển khai bán cổ phần chiến lược theo quy trình do Morgan Stanley & Citigroup xây dựng và tư vấn. 

Sự tham gia của cổ đông “ngoại” sẽ giúp VNA tăng năng lực tài chính, đổi mới quản trị, quản lý điều hành tại DNNN lớn mà lâu nay, bộc lộ nhiều bất cập, kém hiệu quả.

Giá bán ưu đãi?

Theo lộ trình, việc bán cổ phần chiến lược sẽ còn tùy thuộc vào tình hình, điều kiện thị trường và mức độ quan tâm của các NĐT tiềm năng. Kế hoạch này có thể được điều chỉnh để bảo đảm tìm và bán cổ phần cho NĐT chiến lược một cách hiệu quả. 

Về giá bán, VNA sẽ xác định giá bán cho NĐT chiến lược theo quy định tại Thông tư 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, có hai trường hợp xác định giá bán cổ phần chiến lược. 

Một là, trước thời điểm VNA tổ chức IPO, giá bán cổ phần chiến lược là giá bán do Ban chỉ đạo CPH thỏa thuận hoặc giá trúng thầu của cuộc bán đấu giá giữa các NĐT chiến lược, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm được phê duyệt (22.300 đồng/cổ phiếu). Hiện, thời gian áp dụng phương án này chỉ là 15 ngày.

Hai là, sau thời điểm IPO, giá bán cổ phần chiến lược do Ban Chỉ đạo CPH thỏa thuận hoặc giá trúng thầu của cuộc đấu giá giữa các NĐT chiến lược, không thấp hơn giá trúng thầu thành công thấp nhất khi IPO. Với nguyên tắc này, NĐT chiến lược sẽ phải chi tối thiểu 22.300 đồng cho mỗi cổ phiếu VNA, để bảo đảm thu về ít nhất là 6.289,42 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, một tình huống chưa được tính đến trong phương án CPH VNA là phiên đấu giá IPO ngày 14/11 tới đây có thể thất bại hoặc bán không hết lượng cổ phần chào bán. 

Theo Quyết định 51 của Chính phủ về thoái vốn nhà nước, trường hợp phải tiến hành đấu giá lần 2, giá bán cổ phần có thể giảm tối đa 10% so với giá khởi điểm hoặc giá trúng đấu giá lần 1. Đây được xem là giải pháp để tăng sức hấp dẫn cho cổ phần DNNN và gỡ “bí” cho vấn đề tìm kiếm NĐT chiến lược của nhiều DN.

Quy định này cũng được hiểu là sẽ áp dụng cho việc xác định giá bán cho NĐT chiến lược trong tình huống tương tự và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Khi ấy, số tiền thu về từ bán cổ phần chiến lược có thể giảm tối đa 10% (tương ứng giảm 628,94 tỷ đồng). 

Trong trường hợp đó, phương án sử dụng, phân bổ nguồn tiền thu từ CPH có thể sẽ phải tính toán lại. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa được đề cập tới trong phương án CPH đã được phê duyệt.