An toàn thực phẩm - then chốt nâng cao giá trị nông sản

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo các chuyên gia, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản thì bảo đảm an toàn thực phẩm là một yếu tố then chốt. Thực tế, dù giá nông sản an toàn cao hơn những sản phẩm thông dụng, nhưng vẫn được tiêu thụ mạnh.

An toàn thực phẩm - then chốt nâng cao giá trị nông sản
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo kết quả khảo sát và phân tích của dự án điều tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản thực phẩm của Cục Quản lý chất lượng, Bộ NN và PTNT vừa công bố, có 38% mẫu rau được phân tích có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, 28,5% vượt quá hàm lượng Nitrat cho phép, 100% vượt ngưỡng coliform cho phép, 46,8% quá mức E.coli cho phép... Hàm lượng các chất hóa học cao hơn mức cho phép trong mẫu rau kiểm nghiệm được cho là hệ quả của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trái với quy định và sử dụng phổ biến một số loại thuốc kháng sinh, kích thích trong chăn nuôi…
Việc lạm dụng các loại thuốc này có thể giúp người canh tác, chăn nuôi đạt lợi nhuận cao hơn, vì cây trồng có sản lượng cao, vật nuôi có trọng lượng lớn và nhanh được thu hoạch, nhưng với người tiêu dùng thì đây là mối nguy lớn đến sức khỏe, nhất là các loại chất này tích tụ trong cơ thể sẽ gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm đến tính mạng, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Và bởi thế, người tiêu dùng trong nước đang khủng hoảng niềm tin với chính sản phẩm nông sản nội địa. Thói quen lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không chỉ làm nông sản mất sự tín nhiệm của thị trường trong nước, mà một số loại đã bị thị trường nhập khẩu cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu.

Tình trạng mất an toàn vệ sinh đối với những mặt hàng nông sản được đại diện Bộ NN và PTNT cho là có nguyên nhân cả trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Người sản xuất vì lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm trong bảo đảm an toàn vệ sinh khi sản xuất các sản phẩm nông sản. Quá trình đến tay người tiêu dùng, điều kiện chế biến, bảo quản sản phẩm cũng chưa bảo đảm. Bên cạnh đó, thẩm quyền và năng lực của cán bộ, thanh tra quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm còn thấp…

Theo nhiều chuyên gia, bảo đảm an toàn thực phẩm là việc phải làm trước tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản ở nước ta. Thực tế, dù giá nông sản an toàn có cao hơn những sản phẩm thông dụng, nhưng vẫn được tiêu thụ mạnh do đáp ứng các yêu cầu về độ an toàn. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản thông qua nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là những giải pháp then chốt bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp. Trong bối cảnh nước ta đang thực hiện tự do hóa thương mại, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, yêu cầu này càng được đề cao.

Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh tổ chức lại sản xuất; xác định thị trường tiêu thụ phù hợp với đối tượng khách hàng và mục đích tiêu dùng. Ngoài ra, cần có các giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi sản xuất của các mặt hàng nông sản… Hiện, Bộ NN và PTNT đã xác định rõ, thị trường là nền tảng để cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm trong nông sản; Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, đặc biệt là bảo đảm chất lượng giống cây trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp khác.