Ẩn ý sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai đã kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết như kỳ vọng hay có thêm lời hứa, cam kết nào từ hai bên. Dù có không ít thất vọng và những đánh giá bi quan, thì phía sau đó vẫn có những ẩn ý thật sự đáng lưu tâm.
Vui vẻ trong thất bại
Việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên kết thúc sớm hơn kế hoạch khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Lý do được đưa ra là cả hai bên không tìm được quan điểm chung về lộ trình gỡ bỏ cấm vận nếu muốn phi hạt nhân hóa, khi mà theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump là phía Bình Nhưỡng muốn gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt ngay lập tức, điều mà ông không thể thực hiện. Ngược lại, phía Triều Tiên cho biết họ chỉ đưa ra đề nghị nới lỏng một phần biện pháp cấm vận để đổi lấy việc dỡ bỏ nhà máy hạt nhân Yongbyon.
Tuy nhiên, sự bất đồng quan điểm giữa hai bên và buộc phải kết thúc sớm, thậm chí không thể đưa ra tuyên bố có vẻ khá kỳ lạ, vì thông thường, để chuẩn bị một hội nghị thượng đỉnh như thế này đòi hỏi trước đó bộ máy đàm phán của hai nước đã phải tích cực làm việc, trao đổi và nắm được mong muốn, mục tiêu của nhau, và khi lãnh đạo cấp cao gặp mặt chỉ đơn thuần hợp thức hóa các điều khoản thỏa thuận.
Chính vì vậy, có không ít nghi ngờ cho rằng cả Tổng thống Donald Trump lẫn Chủ tịch Kim Jong-un đều phần nào biết trước kết quả của hội nghị thượng đỉnh, nhưng vẫn đồng ý gặp lần hai nhằm xây dựng hình ảnh cá nhân trong việc thể hiện nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Luận điểm này càng có cơ sở khi hình ảnh tươi cười vui vẻ của hai ông sau khi kết thúc buổi gặp, cũng như những lời "có cánh" dành cho nhau và đều đánh giá cuộc gặp là hiệu quả.
Những ẩn ý
Giới phân tích quan tâm nhiều hơn đến buổi họp báo sau hội nghị của ông Trump để tìm kiếm thêm những tín hiệu cho tương lai. Đáng lưu ý là ông Trump cho biết sẽ làm việc với các đồng minh là Nhật và Hàn Quốc để giúp Triều Tiên phát triển kinh tế và giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuyên bố này như gợi ý rằng, dù lệnh trừng phạt của Mỹ chưa được gỡ bỏ, nhưng các đồng minh của Mỹ tại châu Á có thể đưa ra những giải pháp hỗ trợ kinh tế Triều Tiên nhằm giúp nước này đa dạng hóa các mối quan hệ và tránh phụ thuộc quá lớn vào sự trợ giúp của Trung Quốc.
Có không ít nghi ngờ rằng cả Tổng thống Donald Trump lẫn Chủ tịch Kim Jong-un đều phần nào biết trước kết quả hội nghị thượng đỉnh, nhưng vẫn đồng ý gặp lần hai nhằm xây dựng hình ảnh cá nhân trong việc thể hiện nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.
Trong hơn một năm qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã xích lại gần nhau, trong khi về phía Nhật Bản, bình yên trên bán đảo Triều Tiên có lợi cho họ. Do đó, Mỹ có thể sử dụng những giải pháp hỗ trợ từ phía Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian tới như là đòn bẫy để kích thích Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy phát triển kinh tế, điều mà ông Trump đánh giá rất cao tiềm năng này của Triều Tiên.
Mới đây, quân đội Mỹ - Hàn không tiếp tục các cuộc tập trận chung quy mô lớn thường niên giữa hai nước, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Kể từ cuộc gặp đầu tiên tại Singapore, Seoul và Washington đã giảm quy mô hoặc bỏ nhiều cuộc tập trận chung, máy bay ném bom Mỹ cũng không còn hoạt động trên bầu trời Hàn Quốc.
Điểm thứ 2 là dù ông Trump cho biết không hứa sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần ba, nhưng thông báo từ phía Triều Tiên được hãng thông tấn KCNA của nước này trích dẫn, cho biết ông Kim và ông Trump đã "đồng ý tiếp tục đàm phán để thảo luận về phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ Mỹ - Triều". Điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai bên vẫn tiến triển chứ không xấu đi như một số đồn đoán.
Không loại trừ khả năng Tổng thống Trump muốn ký một thỏa thuận tốt nhất ở một thời điểm phù hợp và có lợi nhất cho ông trong thời gian tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Trong buổi họp báo, ông Trump chia sẻ rằng lẽ ra ông đã có thể "ký một thỏa thuận với Triều Tiên vào ngày hôm nay", khi giấy bút, các điều khoản và những lựa chọn đã sẵn sàng. Dù vậy, đó có thể là một lựa chọn tồi khi sớm ký một thỏa thuận tồi mà có thể nhận nhiều chỉ trích, do đó ông đã dừng lại.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, bản thân ông Trump cũng chưa muốn sớm giải quyết vấn đề Triều Tiên trong thời điểm này, vì có thể khiến người ta nghĩ rằng mọi thứ đạt được sao thật dễ dàng. Thay vào đó, ông có thể đợi đến năm 2020, để quyết định ký một thỏa thuận toàn diện nhằm "ghi điểm" và tạo lợi thế trong kế hoạch tái tranh cử chức vị tổng thống.
Một điểm quan trọng nữa là hành động thẳng thừng từ chối và kết thúc sớm hội nghị của ông Trump cũng có thể nhằm gửi tín hiệu đến Trung Quốc, là ông sẵn sàng vứt bỏ những thỏa thuận nếu thấy đó là những điều khoản tồi và không có lợi cho nước Mỹ, nhất là khi ông dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 3 này để thảo thuận về thỏa thuận thương mại. Trong buổi họp báo tại Hà Nội, ông Trump cũng đã lớn tiếng tuyên bố "Tôi chưa bao giờ sợ phải rời khỏi một thỏa thuận nào. Và tôi cũng sẽ làm điều đó với Trung Quốc, nếu mọi chuyện không như ý”.