Anh vẫn giữ được những lợi thế kinh tế riêng dù quyết định rời EU
Ngân hàng Trung ương Anh dự báo, mức tăng GDP của nước này đã có thể cao hơn 2% nếu bỏ phiếu ở lại EU. Tuy nhiên, trong dài hạn, Anh vẫn giữ được những lợi thế cho riêng mình để thúc đẩy tăng năng suất và thịnh vượng.
Sau cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên rời khỏi EU hay không, vào lúc 7 giờ sáng giờ London ngày 24/06/2016, phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng với khoảng cách 1 triệu phiếu (51,89% số phiếu). Sau đó, Thủ tướng Theresa May đã chính thức thông báo Anh sẽ bắt đầu kích hoạt tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/03/2017.
Quy trình Brexit sẽ được bắt đầu bằng việc kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon của EU. Việc kích hoạt Điều 50 sẽ bắt đầu thời hạn 2 năm cho Brexit và cho phép khởi động các cuộc đàm phán giữa London và Brussels trong những tuần tiếp theo. Quy trình Brexit sẽ chính thức hoàn thành vào tháng 03/2019.
Trên thực tế, Brexit đã có tác động mạnh tới nền kinh tế Anh, làm giảm mức độ tăng trưởng kinh tế. Đây là nhận định được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney đưa ra tại cuộc họp vào ngày 22/5/2018 của Ủy ban chuyên trách tài chính thuộc Hạ viện.
BoE ước tính Brexit khiến nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh thấp hơn 1,5%-1,75%, thậm chí xấp xỉ 2%, so với những gì mà BoE đã dự báo trong năm 2016, trong khi thu nhập thực tế của mỗi hộ gia đình thấp hơn khoảng 900 Bảng so với dự báo hồi tháng 5/2016.
Nói cách khác, theo Thống đốc BoE, mức tăng GDP của nước Anh đã có thể cao hơn tới 2% nếu đất nước này bỏ phiếu ở lại EU.
Thống đốc BoE chỉ ra rằng, mức tăng chi tiêu tiêu dùng hiện chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước cuộc trưng cầu Brexit và bằng 1/3 so với mức trước khủng hoảng tài chính và đây là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Một số tác động khác đối với nền kinh tế cũng có thể được cảm nhận qua mức đầu tư kinh doanh thấp hơn (thấp hơn 4% so với dự đoán). Mức đầu tư thấp này là do quyết định Brexit khiến giới doanh nghiệp trì hoãn hay do dự trong các quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, Cố vấn kinh tế Ruth Lea thuộc Arbuthnot Banking Group cho rằng, lạm phát tăng cao hơn do đồng Bảng yếu đi đã tác động đến thu nhập của các hộ gia đình Anh.
Việc không đạt được một thỏa thuận thương mại tự do chắc chắn sẽ dẫn đến những thiệt hại không hề nhỏ gây ra từ những rào cản thuế quan và quy định của EU đối với Anh.
Song trong dài hạn, phần lớn hoạt động giao thương vẫn có thể tiếp diễn mà không bị ảnh hưởng. Bởi, những thế mạnh cạnh tranh của Anh là không thể không nhắc tới. Những tiện ích và lòng tin dành cho các công ty toàn cầu đối với ngôn ngữ, hệ thống pháp lý, nền dân chủ ổn định và không có tình trạng tham nhũng đã đưa Anh trở thành một địa chỉ đầu tư được yêu thích.
Anh còn là nước có thế mạnh về sáng tạo, từ công nghệ sinh học cho đến nghệ thuật. Anh cũng đi đầu thế giới về ngành dịch vụ cũng như cơ khí, tư vấn, pháp lý và tài chính - các lĩnh vực vốn được xem là những động lực chính thúc đẩy thương mại và kinh tế.
Sự cởi mở trong tư tưởng sáng tạo, tính linh hoạt của các thị trường lao động, phát triển mạnh trong lĩnh vực dịch vụ và sự tự do trong việc xây dựng các quy định và cơ sở luật vững chắc để có thể duy trì sự cạnh tranh trên toàn cầu là những nền tảng giúp nước Anh hoàn toàn có thể đi đầu trong việc thúc đẩy tăng năng suất và thịnh vượng sau khi chính thức rời khỏi EU.