Áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 giúp doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả
Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp quản lý năng lượng (QLNL) theo hướng bền vững, giúp doanh nghiệp khai thác và sử dụng năng lượng hợp lý, giảm chi phí dành cho năng lượng tại các doanh nghiệp.
Là bộ tiêu chuẩn được Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) công bố ngày 15/6/2011, ISO 50001 hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp cải thiện hiệu quả quản lý năng lượng (QLNL), đồng thời tối ưu hóa hoạt động năng lượng ở tất cả các quy trình.
Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn về hệ thống QLNL tương ứng tiêu chuẩn ISO 50001 cũng đã được xây dựng và ban hành bao gồm: Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 (ban hành năm 2012), TCVN ISO 50001:2019 (ban hành năm 2019).
Được biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”, trong đó có hợp phần về nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp để áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 được thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong khuôn khổ Dự án, 14 doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn ISO 50001.
Ở cấp địa phương, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng hệ thống QLNL theo TCVN ISO 50001, một số doanh nghiệp trong số đó đã đồng thời được cấp chứng chỉ ISO 50001 nhờ nhận được hỗ trợ từ các chương trình hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật giúp các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Sở Công Thương một số địa phương triển khai.
Theo thống kê, đến tháng 9/2021, Việt Nam đã có 74 đơn vị được cấp chứng chỉ ISO 50001 như: Công ty Diesel Sông Công, Công ty Vinamilk, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi CP, Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa-MILIKET, các công ty thuộc Tập đoàn Prime…
Trước đó, ngay khi mới ra đời tiêu chuẩn ISO 50001:2011, một công ty trong ngành dược là Công ty cổ phần XNK Y tế DOMESCO cũng đã tiên phong ứng dựng tiêu chuẩn ISO 50001:2011, tích hợp vào hệ thống đã xây dựng.
Xuất phát từ việc nghiên cứu điều kiện thực tiễn của Công ty liên quan phương diện sử dụng năng lượng, từ đầu năm 2013 công tác triển khai ISO 50001 được lãnh đạo DOMESCO đặt quyết tâm triển khai áp dụng thông qua việc đưa ra những mục tiêu cụ thể như giảm lượng điện sử dụng trong hoạt động sản xuất của 3 nhà máy sản xuất dược phẩm, đánh giá hiệu suất năng lượng sử dụng hàng ngày.
Theo đánh giá, Công ty đã cải thiện hiệu quả năng lượng trong hoạt động sản xuất dược phẩm, là một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam áp dụng thành công hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001:2011.
Được biết, năm 2017, 8 công ty đầu tiên đã tham gia Mạng lưới hiệu quả năng lượng đầu tiên ơt VIệt Nam. Mạng lưới này nằm trong khuôn khổ Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng phối hợp triển khai) được thực hiện ở các DN trong các ngành dệt may, sản xuất giấy, vận tải, chế biến cao su và nhựa và sau thời gian triển khai thí điểm các công ty này đã được tiến hành kiểm toán năng lượng.
Các doanh nghiệp gồm Xí nghiệp In Bao bì Giấy LIKSIN; Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến; Tổng công ty Nam Thái Sơn; Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam; Công ty Dệt may 7; Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn; Công ty cổ phần In nhãn hàng An Lạc; Công ty TNHH Dệt Đông Tiến Hưng). Kết quả cho thấy, với mức chi phí đầu tư 21.486 triệu đồng, 8 doanh nghiệp này có thể tiết kiệm được 10.582,1 triệu đồng tiền điện mỗi năm.
Tại Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai, sau thời gian triển khai áp dụng ISO 50001, ý thức tiết kiệm năng lượng của cán bộ, công nhân công ty được nâng lên đáng kể. Chính vì vậy, hàng loạt biện pháp cải thiện năng lượng được các kỹ sư vận hành của công ty đề xuất.
Kết quả điển hình là cải tiến chế độ vận hành thiết bị. Khi triển khai các bước áp dụng theo ISO 50001, kỹ sư đã quan sát, theo dõi dữ liệu và phân tích kỹ từng yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng năng lượng.
Việc xử lý tốt nguyên liệu cho phép giảm tới 10% hệ số tiêu hao điện năng, giảm chỉ tiêu về than cốc, giảm lượng khí thải, giúp thiết bị lọc điện và ngưng tụ vận hành thuận lợi hơn.