Áp lực lên lãi suất cho vay ngày càng lớn
Trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động vốn và phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao kỷ lục trong thời gian qua, chi phí vốn của các nhà băng tất yếu sẽ gia tăng và gây áp lực lên lãi suất cho vay trong những tháng còn lại của năm nay.
Trong những ngày cuối tháng 8/2019 vừa qua, ngân hàng Bắc Á đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng thêm 0,1-0,2% tùy kỳ hạn, lên mức 7,5-7,8%. Đáng lưu ý là, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ghi nhận mức tăng cao hơn đến 0,3%, từ mức 7,8% lên 8,1%.
Trước đó, ngân hàng An Bình hồi giữa tháng 8 cũng đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 6,8% lên 7,5%, kỳ hạn 12 tháng từ 7,7% lên 8,5%.
Trong hơn hai tháng trở lại đây, thị trường chứng kiến một loạt ngân hàng đã mạnh tay điều chỉnh khung lãi suất tiền gửi lên mặt bằng mới, trong đó có cả những ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV hay Vietinbank. Đặc biệt, mức điều chỉnh thường tập trung ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cho thấy nhu cầu vốn trung dài hạn tiếp tục ở mức cao tại các nhà băng.
Ngoài tăng lãi suất, các ngân hàng cũng thi nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất khủng để tăng nguồn vốn huy động. Diễn biến lãi suất leo thang nhanh đến nỗi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải ra văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng và cảnh báo sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.
Dù vậy, những biện pháp hành chính như trên khó có thể phát huy hiệu quả và phù hợp với thị trường. Rõ ràng, khi thanh khoản căng thẳng, trước diễn biến tăng trưởng huy động vốn chậm hơn so với tín dụng, nguồn vốn thiếu hụt nên các ngân hàng buộc phải tăng cường huy động vốn bẳng mọi giá để đảm bảo an toàn thanh khoản, cũng như phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh doanh đã đề ra, miễn là lãi suất cho vay ra vẫn đảm bảo cao hơn lãi suất huy động đầu vào.
Chính vì vậy, nỗi lo về việc lãi suất cho vay có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới là có cơ sở. Khi chi phí vốn của ngân hàng gia tăng do phải tăng lãi suất huy động, các ngân hàng tất yếu sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cho vay theo để đảm bảo lợi nhuận, vốn được đặt ra theo kế hoạch ở mức rất cao trong năm nay. Hay nói cách khách gánh nặng tài chính này đã chuyển từ các nhà băng sang những khách hàng vay vốn.
Dù Chính phủ và NHNN luôn cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc thậm chí giảm thêm, tuy nhiên trước những áp lực vừa qua thì lãi suất cho vay khó lòng đứng yên trong thời gian tới. Nếu có thể giữ ổn định thì chỉ ở các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của NHNN. Thực tế là, các ngân hàng mới đây cũng đã giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Còn đối với những lĩnh vực khác, đặc biệt là lãi suất cho vay tiêu dùng, cho vay đầu tư kinh doanh nhà đất e là sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi lên.
Ngoài ra, càng về cuối năm nhu cầu vốn càng gia tăng để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng mùa cao điểm, bản thân các ngân hàng cũng nỗ lực chạy đua hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trong năm nay. Do đó, tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục nóng lên và vì vậy lãi suất sẽ càng khó giảm xuống. Thực tế là trong tháng 8/2019 vừa qua, NHNN đã phải liên tiếp bơm ròng trên thị trường mở để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của toàn hệ thống.