Argentina tìm “phao cứu sinh” khẩn cấp để tránh khủng hoảng nợ

Theo Linh Anh/daibieunhandan.vn

Ngày 5/9, các quan chức Argentina và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên tại Washington, Mỹ, để thương lượng điều kiện giải ngân khoản vay trị giá 50 tỷ USD. Khoản tiền này được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong khủng hoảng nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giải pháp trước mắt

Bộ trưởng Tài chính Nicolas Dujovne đang tìm cách để bảo đảm Argentina nhận được khoản giải ngân sớm trong gói cứu trợ kéo dài 3 năm của IMF vào nửa đầu tháng 9.

Điều này thực sự khẩn cấp vì nó cho phép Chính phủ tránh được việc phải phát hành trái phiếu, biện pháp càng khiến tăng nợ, để có tiền trang trải trong thời gian trước mắt. Số liệu chính thức cho thấy, nợ công của Argentina đã đạt mức 321 tỷ USD trong năm 2017, tương đương khoảng 57% GDP.

IMF đang có dấu hiệu khả quan, nhất là sau khi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các chính sách của Argentina trong tuyên bố cuối tháng trước. Theo bà, đội ngũ IMF đang nỗ lực làm việc cùng quan chức Argentina để xem xét các giai đoạn triển khai của chương trình cứu trợ tài chính.

Cuộc đàm phán mới nhất diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Argentina Mauricio Macri thông báo các biện pháp mới nhằm kiểm soát đà trượt giá của đồng nội tệ, trong đó cắt giảm số bộ trong Chính phủ xuống còn một nửa và tái áp thuế khẩn cấp đối với một số mặt hàng xuất khẩu như ngũ cốc.

Các loại thuế này sẽ chỉ được dỡ bỏ khi kinh tế ổn định trở lại. Được biết, đồng peso của Argentina đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng USD trong năm nay, làm tăng nguy cơ lạm phát và khiến người dân đổ xô đi đổi tiền ra USD. Trước đây, Chính phủ Argentina từng dự tính lạm phát chỉ vào khoảng 15 - 20% trong năm nay nhưng tỷ lệ đó hiện tăng lên trên 30%.

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới được thực hiện sau quyết định tăng lãi suất lên 60% của Ngân hàng Trung ương Argentina - mức cao nhất thế giới.

Các nhà phân tích đánh giá, đây là giải pháp mạnh, trực diện, chứ không phải cách tiếp cận từ từ để giảm lạm phát của vị Tổng thống vốn khá cởi mở với kinh doanh. “Tôi nghĩ rằng Chính phủ đang giải quyết vấn đề một cách hợp lý”, ông Esteban Medrano, một nhà phân tích thị trường Argentina nhận xét, “tuy rằng những nỗ lực đó không dễ nhận được nhiều ủng hộ”.

Theo ông, Chính phủ đương nhiệm đang cố gắng giành lợi thế trong cuộc bầu cử năm 2019 bằng cách nỗ lực hết sức để thoát khỏi khủng hoảng trong năm nay. Bởi gần như chắc chắn, cuộc bầu cử năm tới sẽ chính là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho khả năng điều hành của Tổng thống Macri.

Ông Nicolas Saldias, một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Wilson trụ sở tại Washington cũng cho rằng, các biện pháp mới là cần thiết để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số biện pháp cắt giảm đáng kể các công trình công cộng có thể khiến cho suy thoái trầm trọng hơn.

Bản thân việc áp thuế xuất khẩu cũng có thể gây suy thoái nếu như các doanh nghiệp Argentina chưa thực sự sẵn sàng cạnh tranh sản phẩm của mình ở nước ngoài.

Không dễ vượt qua khủng hoảng

Trong khi đó, hàng trăm người biểu tình đã đổ ra đường phản đối tình hình kinh tế đang ngày một tồi tệ hơn. Ông Sebastian Rivera thuộc Liên đoàn Lao động nhà nước nhận xét: “Khi nhìn vào những gì Chính phủ đang làm, bạn biết rằng cách duy nhất có thể mong chờ chỉ là sa thải và trầm trọng hơn tình trạng của những người đang cần việc”.

Thực vậy, khoản cứu trợ 50 tỷ USD, khoản vay lớn nhất trong lịch sử IMF, đã gây ra nhiều cuộc biểu tình ở Argentina. Nhiều người đổ lỗi cho thiết chế tài chính lớn nhất thế giới là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Argentina giai đoạn 2001 - 2002, khiến 20% lực lượng lao động Argentina thất nghiệp và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khốn cùng.

Argentina hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực Mỹ Latinh nhưng tỷ lệ thất nghiệp khoảng 9%. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hơn 28% trong 43 triệu dân nước này đang sống ở mức nghèo khó.

Phản ứng của công chúng đã cản trở những nỗ lực của ông Macri nhằm đẩy mạnh cắt giảm ngân sách trước đó, đặc biệt là chi tiêu xã hội. Năm ngoái, nỗ lực cắt giảm quyền lợi hưu trí đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn.

Theo một số nhà bình luận, có hai nguyên nhân chính khiến khủng hoảng kinh tế của Argentina diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ đến vậy.

Thứ nhất là một loạt vấn đề nội tại như lạm phát cao, thâm hụt thương mại, cộng thêm “thiên vô thời, địa bất lợi” như hạn hán càng khiến cho nông nghiệp khó khăn, mà đây lại là động lực chính của kinh tế vì Argentina là nhà xuất khẩu bột đậu nành lớn nhất thế giới. 

Thứ hai, nền kinh tế Argentina phụ thuộc nhiều bên ngoài trong khi kinh tế toàn cầu lại đang gặp khó khăn. Thực tế, nhiều nước đang lâm vào khủng hoảng do đồng USD tăng giá, các biện pháp bảo hộ thương mại của Chính quyền Donald Trump cũng như chính sách lãi suất tăng ở Mỹ.

Việc Argentina đề nghị IMF đẩy nhanh kế hoạch giải ngân cho thấy sự lo ngại gia tăng tình hình nguy cấp của nền kinh tế. Khi đạt thỏa thuận vay vốn với IMF hồi tháng 5, Tổng thống Macri còn nói ông hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục và không cần tiêu đến khoản vay.

Tuy nhiên, các quan chức Argentina cũng tỏ ra khá lạc quan về kết quả cuộc đàm phán lần này vì thái độ thiện chí của IMF. Còn nhớ năm 2001, Chính phủ Argentina vỡ nợ và hệ thống ngân hàng của đất nước gần như tê liệt. Khi đó, việc IMF từ chối giúp đỡ bị cho là một phần nguyên nhân khiến nền kinh tế Argentina suy sụp.