Ba rủi ro lớn nhất với Phố Wall năm 2020
Thương mại vẫn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới. Tâm lý né tránh rủi ro được dự báo gia tăng và duy trì tới cuối hè, đầu thu năm 2020.
Dù Mỹ và Trung Quốc đang hướng đến ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều nhà đầu tư vẫn hoài nghi về cách tiếp cận “cây gậy hay củ cà rốt” trong thương mại năm nay.
Dưới đây là ba rủi ro lớn nhất với Phố Wall nói riêng và thị trường chứng khoán thế giới nói chung.
Chiến tranh thương mại
Chiến tranh thương mại tạo ra hai rủi ro, theo các ngân hàng ở Phố Wall.
Một mặt, Washington và Bắc Kinh đến lúc này mới chỉ nhất trí về thỏa thuận giai đoạn 1. Dù thỏa thuận này được ký, hai bên vẫn cần đàm phán về một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn. Đàm phán thương mại kéo theo nguy cơ xuất hiện các tin tức tiêu cực và đe dọa áp thuế.
Thương chiến leo thang dẫn đến thiệt hại đáng kể về kinh tế, đặc biệt là chi tiêu và tuyển dụng tại các doanh nghiệp, các kinh tế gia tại Morgan Stanley cảnh báo.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ còn nhắm đến các đối tác thương mại châu Âu, như xem xét áp thuế xe hơi Đức. Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 12 thông báo áp thuế với nhôm và thép nhập khẩu từ Brazil và Argentina.
Mặt khác, các diễn biến thương mại tích cực có thể khiến thị trường bất ngờ. Đây là rủi ro đối với những nhà đầu tư tin đàm phán thương mại tiến triển chậm chạp.
Suy thoái hay phục hồi?
Nguy cơ suy thoái giảm trong nửa cuối năm 2019 nhưng đợt tăng trưởng dài nhất lịch sử Mỹ cũng sẽ kết thúc vào lúc nào đó. Sau khi có tốc độ tăng trưởng GDP quý I 3,1%, kinh tế Mỹ đã giảm tốc, tăng trưởng GDP quý II và III lần lượt chỉ còn 2% và 2,1%. Con số này dự kiến còn đi xuống trong năm 2020.
Trong khi đó, sản xuất toàn cầu được kỳ vọng vượt qua thời kỳ khó khăn. Lĩnh vực này, trên thế giới và cả ở Mỹ, bị ảnh hưởng bởi thương chiến, làm giảm lực cầu và giá bán. Tuy nhiên, số liệu đã bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, giúp thị trường chứng khoán đi lên.
“Môi trường tốt nhất đối với chứng khoán là khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) từ Viện quản lý nguồn cung (ISM) giảm xuống dưới 50 rồi đảo chiều, bắt đầu phục hồi”, Jonathan Golub, chiến lược gia về thị trường chứng khoán Mỹ tại Credit Suisse, nhận định.
Thương mại toàn cầu tích cực và bất ổn chính trị giảm có thể tạo thêm lực đẩy cho thị trường. Morgan Stanley dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ cải thiện từ đầu năm 2020, dù chưa nhiều.
Bầu cử tổng thống Mỹ
Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 11/2020. Đây là rủi ro chính trị nhà đầu tư cần theo dõi. Tình hình phụ thuộc nhiều vào việc ai là ứng viên đại diện đảng Dân chủ ra cạnh tranh với ông Trump, đảng Cộng hòa.
Theo Bank of America, một ứng viên Dân chủ trung lập sẽ giúp giảm bất ổn chính trị. Ứng viên nghiêng về cánh tả tạo ra rủi ro đến một số lĩnh vực nhất định, cũng như cán cân tài chính Mỹ. Ví dụ, bà Elizabeth Warren từng đề xuất cấm hoạt động thủy lực cắt phá. Nếu Warren đắc cử, các công ty năng lượng sẽ bị ảnh hưởng.
“Tâm lý né tránh rủi ro được dự báo gia tăng và duy trì tới cuối hè, đầu thu năm 2020, trước bầu cử tổng thống bởi nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi rủi ro chính trị”, Hohn Herrmann, kinh tế gia, giám đốc chiến lược về lãi suất tại MUFG, nhận định.
Nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với chính sách kích thích tài chính trong chính quyền kế nhiệm. Chính sách giảm thuế của ông Trump năm 2017 đã thúc đẩy nền kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2018 nhưng tác động đã phai nhạt dần.